Gia tài đồ sộ của vị đại gia kín tiếng đứng sau khu vui chơi hàng trăm triệu USD tại Hà Nội
Sau hơn 30 năm, Tập đoàn Bảo Sơn - con cưng của doanh nhân Nguyễn Trường Sơn đã phát triển và dần lớn mạnh với 16 công ty thành viên, vươn chân rết của mình ra khắp mọi lĩnh vực và trở thành một trong những cái tên đáng nhớ trên thương trường.
Tập đoàn Bảo Sơn và những dấu ấn trên thương trường
Mới đây, Tập đoàn Bảo Sơn và hội đồng xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn đã tổ chức Lễ phát động xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn 2024.
Theo chia sẻ từ đại diện Tập đoàn Bảo Sơn, quỹ này hiện có 600 tỷ đồng và phía doanh nghiệp này sẽ dùng số lãi của gói tiết kiệm này làm giải thưởng và phục vụ cho hội đồng giải thưởng.
Giải thưởng Bảo Sơn ra đời từ năm 2010 nhằm vinh danh các nhà khoa học có những sáng chế và công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao.
Trước đó, ông Sơn cũng đã chi ra 500 tỷ đồng gửi tiết kiệm và thành lập quỹ Giải thưởng Bảo Sơn nhằm vinh danh các giải thưởng khoa học và sáng chế có tính ứng dụng cao. Với mức lãi suất 7,5%/năm, mỗi năm tiền lãi này được chừng 37,5 tỷ đồng sẽ được phân cho quỹ này, dùng để chi cho các giải thưởng khoa học.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là nguồn quỹ trao giải đến từ khoản góp cá nhân của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Bảo Sơn.
Tập đoàn Bảo Sơn được coi là một trong những doanh nghiệp xây khách sạn chuẩn 4 sao đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1995, cũng là đơn vị xây khu vui chơi Safari đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2017.
Khách sạn Bảo Sơn tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, thu hút được đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế.
Năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên đường Bảo Sơn với quy mô 20ha và tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.
Năm 2017, tập đoàn cũng khai trương khu vui chơi Safari đầu tiên tại Hà Nội với quy mô 2,6ha, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, nằm trong khuôn viên Công viên Thiên đường Bảo Sơn.
Tập đoàn cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư như dự án: Khu căn hộ và biệt thự cao cấp Bảo Sơn tại An Khánh (Hà Nội); khu căn hộ Đức Giang - Gia Lâm...
Cho đến thời điểm hiện tại, sau 29 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Bảo Sơn đã có 16 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư kinh doanh BĐS, khách sạn, khu vui chơi giải trí, y tế, giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục, Tập đoàn Bảo Sơn sở hữu hệ thống Trường Cao đẳng nghề dịch vụ Bảo Sơn và trường Trung cấp Y dược Bảo Sơn với mục tiêu biến nơi đây thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bảo Sơn cũng lấn sân sang lĩnh vực y tế khi cho ra đời BVĐK Bảo Sơn và tiến tới đầu tư khu tổ hợp bệnh viện - nhà dưỡng lão tại Sơn Tây (Hà Nội).
Công ty Thiên đường Bảo Sơn - thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn có tổng tài sản đạt 957 tỷ đồng; nợ phải trả là 407 tỷ đồng; vay nợ tài chính không đáng kể chỉ với 3,1 tỷ đồng. Trong giai đoạn năm 2021-2022, đơn vị này không ghi nhận chi phí lãi vay.
Công viên Thiên đường Bảo Sơn được khai trương vào năm 2008 với tổng số vốn đầu tư ban đầu lên đến 100 triệu USD.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, khu vui chơi "trăm triệu đô" đình đám nhất Hà Nội từng được xem là tổ hợp vui chơi giải trí có diện tích lớn và hiện đại bậc nhất thủ đô vào năm 2010.
Chân dung vị đại gia kín tiếng đứng sau Tập đoàn Bảo Sơn
Chèo lái "con thuyền" Bảo Sơn từ hai bàn tay trắng, ông chủ kín tiếng của tập đoàn này đã từng bước mang thương hiệu "Bảo Sơn" trở thành cái tên đáng nhớ trên thương trường.
Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1945 tại Nghệ An) trở thành Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ vào năm 1989.
Đến năm 1991, ông Sơn quyết định chuyển công ty của Nhà nước ra ngoài quốc doanh, từ đó, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) chính thức ra đời.
Tập đoàn Bảo Sơn ghi dấu ấn đầu tiên vào năm 1995 bằng việc xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội.
Năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn với quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD vào hoạt động.
Doanh nghiệp này dưới bàn tay của doanh nhân Nguyễn Trường Sơn, tiếp tục lấn sân vào nhiều lĩnh vực mới như đầu tư BĐS, xây dựng các KĐT, hệ sinh thái mở rộng sang các lĩnh vực như y tế, giáo dục...
Trên thương trường, ông Sơn được biết đến là một trong những đại gia kín tiếng nhưng hiện đang sở hữu cơ ngơi không hề kém cạnh ai, bao phủ từ lĩnh vực BĐS sang KĐT đến y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước.
Ông chủ của Tập đoàn Bảo Sơn còn được biết đến là một trong số những doanh nhân tích cực trong những hoạt động xã hội. Ông sáng lập ra Quỹ Bảo Sơn để hỗ trợ giáo dục đào tạo Nhật Bản - Việt Nam với mục đích tài trợ và giúp đỡ các em nhỏ vượt khó, các giáo viên, học sinh Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản và ngược lại. Quỹ này cũng dành ra một số tiền lớn để trao thưởng cho những người có đóng góp đối với nền giáo dục Việt Nam cũng như góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.