Cỗ máy kiếm tiền và hệ sinh thái nghìn tỷ của ông chủ Thiên Đường Bảo Sơn
Công ty Thiên đường Bảo Sơn được giới đầu tư ví von là “cỗ máy kiếm tiền” của Tập đoàn Bảo Sơn - một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ông chủ của tập đoàn này lại khá kín tiếng.
Thiên Đường Bảo Sơn báo lãi lớn
Suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có một miếng sườn được bán tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức - Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Hiện Công viên Thiên Đường Bảo Sơn được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn (Công ty Thiên đường Bảo Sơn) - thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn.
Công ty Thiên đường Bảo Sơn được thành lập tháng 2/2008, với số vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1978) đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Với vốn góp chủ sở hữu 80 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022, Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn - đơn vị vận hành Công viên Thiên đường Bảo Sơn đã tích lũy được lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 469 tỷ đồng, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của Thiên đường Bảo Sơn đạt hơn 549 tỷ đồng.
Công ty Thiên đường Bảo Sơn được giới đầu tư ví von là “cỗ máy kiếm tiền” của Tập đoàn Bảo Sơn.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Công ty Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận doanh thu thuần từ 200 tỷ đồng tăng lên 303 tỷ đồng vào cuối năm 2019, lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2020, Công ty Thiên đường Bảo Sơn có doanh thu tăng vọt lên 374 tỷ đồng. Nhưng chi phí bán hàng trong năm 2020 của doanh nghiệp cũng lên tới 293 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp chỉ báo lãi 36 tỷ đồng.
Tới năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Thiên đường Bảo Sơn đạt khoảng 319 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 117 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày trong năm 2021, chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, mức lãi sau thuế nói trên đạt được vào năm 2021 khi giá vé vào cửa Công viên Thiên đường Bảo Sơn chỉ bằng phân nửa so với giá vé hiện nay.
Năm 2022, doanh thu công ty này giảm còn 117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 33 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty Thiên đường Bảo Sơn đạt 957 tỷ đồng; nợ phải trả là 407 tỷ đồng; vay nợ tài chính không đáng kể với chỉ 3,1 tỷ đồng, mà chủ yếu là nợ nội bộ. Đáng chú ý, trong cả năm 2021 và 2022, Thiên đường Bảo Sơn không ghi nhận chi phí lãi vay.
Bước sang năm 2023, với việc tình hình nắng nóng kéo dài và lượng khách gần như không còn bị ảnh hưởng về dịch bệnh Covid-19, giá vé tăng gần như gấp đôi cùng với khai trương thêm nhiều dịch vụ, dự báo mức doanh thu và lợi nhuận của Công viên Thiên đường Bảo Sơn sẽ tăng mạnh.
Hệ thống các đơn vị thành viên của Bảo Sơn Group. Nguồn: Website Bảo Sơn Group
Tài sản 'khủng' của ông chủ Thiên Đường Bảo Sơn
Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là một trong những hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn, do ông Nguyễn Trường Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sở hữu một trong những tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Việt Nam nhưng doanh nhân Nguyễn Trường Sơn lại rất kín tiếng trên truyền thông.
Ông Sơn (sinh năm 1945, quê Nghệ An). Năm 1991, ông Sơn thành lập Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn).
Trải qua hơn 30 năm, Tập đoàn Bảo Sơn đã trở thành doanh nghiệp có tiếng với 16 công ty con, ghi dấu ấn trên các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn, khu resort, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, quỹ khuyến học, y tế....
Về lĩnh vực bất động sản, năm 1995, Tập đoàn Bảo Sơn tạo dấu ấn đầu tiên bằng việc xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội. Tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, Khách sạn Bảo Sơn được rất nhiều sự chú ý của các du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2003, dự án đầu tay của Tập đoàn Bảo Sơn là khu căn hộ Đức Giang, toạ lạc tại Long Biên, Hà Nội chính thức được công bố trên thị trường.
Đến năm 2008, Tập đoàn Bảo Sơn khai trương khu du lịch giải trí Thiên đường Bảo Sơn với diện tích hơn 20 ha tại Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, có tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD. Dự án này là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh, Hà Nội, nổi bật với tổ hợp khép kín 357 căn biệt thự cao cấp...
Sau cơn sốt 2008, trải qua cuộc khủng hoảng 2011-2013, khu biệt thự Bảo Sơn chỉ trơ lại những căn biệt thự bỏ hoang. Vài năm trở lại đây, những căn biệt thự ở Bảo Sơn mới bắt đầu được “hồi sinh” khi cư dân về ở.
Tập đoàn Bảo Sơn cũng là chủ đầu tư dự án Bảo Sơn Green Pearl và Bảo Sơn Complex tọa lạc tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2010, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp nhận Cao đẳng nghề Hàng không từ Tổng Công ty Hàng không, sau đó phát triển thành Trường Cao đẳng nghề quốc tế Bảo Sơn.
Ngoài Thiên đường Bảo Sơn, “gà đẻ trứng vàng” khác của Tập đoàn Bảo Sơn là Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn với pháp nhân kinh doanh là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn (Công ty Bệnh viện Bảo Sơn).
Với thế mạnh đa ngành nghề, doanh thu của Tập đoàn Bảo Sơn lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử, kết thúc năm 2022, Tập đoàn Bảo Sơn ghi nhận doanh thu khoảng 466 tỷ đồng, tăng 309% so với cùng kì. Song giá vốn bán hàng cũng tăng 200%, lên mức 369 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp Tập đoàn Bảo Sơn đạt hơn 97 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Bảo Sơn đạt xấp xỉ 3.249 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Sơn còn có gần 285 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, 94 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dang dở.