Giá trị tồn kho bất động sản tăng cao
Bộ Xây dựng cho biết, theo thống kê của 60/63 địa phương trong quý III/2024, lượng hàng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền có 25.937 sản phẩm, tăng 52% so với quý II.
Lượng hàng tồn kho trên là của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo. Đáng chú ý lượng tồn kho chung cư trong quý này có 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ 12.250 căn, đất nền 8.999 nền.
Riêng lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý III tăng 150,6% so với quý trước.
Cũng theo Bộ Xây dựng, có hơn 141.360 giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền diễn ra trong quý vừa qua. Trong đó, gần 103.000 lượt giao dịch thuộc loại hình đất nền, chiếm đến 73%.
So với quý II, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đã có xu hướng tăng, trong khi giao dịch đất nền giảm 18%.
Khảo sát cho thấy, phần lớn sản phẩm đến từ dự án bất động sản đang xây dựng nhưng chưa xác định thời điểm ra mắt và những dự án triển khai dang dở phải tạm dừng bán hàng vì vướng pháp lý. Đây cũng là nhóm sản phẩm chính góp phần dẫn đến tình trạng tồn kho trên thị trường bất động sản khó giảm.
Mặc dù tồn kho lớn nhưng giá bán các sản phẩm nhà đất trên thị trường vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM. Ciá chung cư Hà Nội, TP HCM tăng ở cả dự án mới và cũ. Trung bình giá sơ cấp tăng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Một số khu vực còn tăng cục bộ 35 - 40% chỉ trong vài tháng.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá bất động sản trong thời gian qua một phần lớn do tác động bởi một số yếu tố như việc biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai, đặc biệt tại một số địa phương; sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hàng tồn kho là điều bình thường nếu nằm trong kế hoạch, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề đáng lo ngại đối với hàng tồn kho là các sản phẩm đã xây xong và bán ra thị trường nhưng lại không được thị trường chấp nhận, tức mức thanh khoản thấp.
Ông Châu nhận định, hàng tồn kho lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh yếu, dùng đòn bẩy tài chính cao sẽ là "núi nợ" đè lên vai doanh nghiệp, khi không có tính thanh khoản, doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Giải bài toán tồn kho bất động sản như thế nào?
Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp địa ốc cần chủ động rà soát, tiết giảm chi phí, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động giải quyết các khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu để tiếp tục triển khai dự án, mở bán ra thị trường, tránh việc đầu tư dàn trải...
Chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của dự án về pháp lý, nguồn vốn; rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán,...triển khai thực hiện dự án.
Cũng đề xuất giải pháp giảm giá nhà, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị, các chủ đầu tư cần lên chiến lược giải phóng, khả dĩ nhất là điều chỉnh giá", ông Châu chia sẻ. Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng có thể hỗ trợ về lãi suất và chính sách tiếp cận vốn vay mua nhà thông thoáng hơn. Cơ quan quản lý cần gỡ vướng về pháp lý, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào mở bán, giảm lượng hàng tồn.