Giá vàng trồi sụt trên ngưỡng cao, rút dần hay ôm vào thêm?
Giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, tăng rồi giảm sau tin thuế đối ứng của Mỹ. Theo giới phân tích, vàng tiếp tục là tài sản lưu trữ an toàn được đông đảo nhà đầu tư lựa chọn thời gian tới.
Giá vàng hai ngày biến động mạnh
Giá vàng trong nước những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 tăng mạnh theo diễn biến của giá vàng thế giới. Giá vàng tăng cả triệu đồng mỗi phiên trong nhiều phiên liên tiếp.
Sáng 3/4, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh, lập đỉnh gần 103 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng SJC lên mức 100,1-102,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng/lượng so với kết phiên trước.
Tương tự, giá vàng nhẫn trơn SJC cũng được tăng thêm 1 triệu đồng, lên mức 99,9-102,5 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lên 99,8-102,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua - bán mặt hàng này là 100-102,9 triệu đồng.
Tuy nhiên, giá vàng không giữ được mức đỉnh này lâu, đến chiều 3/4, giá vàng miếng và nhẫn bất ngờ được điều chỉnh giảm 400 nghìn đồng mỗi lượng so với đầu sáng.
Tới sáng 4/4, các tiệm kim hoàn tiếp tục điều chỉnh giá vàng, giảm 500.000-700.000 đồng một lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng miếng SJC giảm về mức 99-101,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng nhẫn SJC xuống mức 98,9-101,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Tuy hạ nhiệt nhưng tính từ đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng hơn 20%. Mức lợi nhuận này đã giúp vàng đánh bại mọi loại tài sản đầu tư phổ biến khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ...
Giá vàng trong nước gần đây tăng, giảm rất sát theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế.
Giá vàng trong nước thiết lập kỷ lục mới trong sáng 3/4 trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng dựng đứng, xác lập kỷ lục mới 3.169 USD/ounce.
Giá vàng thiết lập kỷ lục mới sau tuyên bố áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng loạt quốc gia.
Sau khi tăng mạnh vào buổi sáng, giá vàng thế giới bất ngờ quay đầu lao dốc trong phiên chiều ngày 3/4 (giờ Việt Nam) và tiếp tục giảm sâu hơn nữa vào buổi tối trước áp lực chốt lời. Lúc 20h15 ngày 3/4, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế chỉ còn 3.056 USD/ounce, giảm tới 110 USD/ounce so với mức đỉnh vào buổi sáng.
Sáng 4/4, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới được giao dịch quanh mức 3.100 USD/ounce.
Ông Michael Widmer, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại tại Bank of America nhận định nhiều yếu tố đã góp phần vào đà tăng giá vàng kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, đợt tăng giá gần đây “gần như hoàn toàn do lo ngại về thuế quan và sự bất ổn mà chúng gây ra”.
Kể từ khi Tổng thống Trump thắng cử, giá vàng thế giới đã liên tục tăng và thiết lập nhiều kỷ lục mới. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 500 USD mỗi ounce.
Có nên đầu tư vàng lúc này?
Thị trường toàn cầu tiếp tục lao đao trước chính sách thuế của Tổng thống Trump, được dự báo sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng cao. Cuộc chiến thương mại này cũng làm gia tăng bất ổn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng hiện hữu, đẩy dòng tiền chảy vào kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Ông Peter Grant, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, nhận định, trong khi một số nhà đầu tư bán tháo để giảm vị thế vay mượn, nhiều người khác lại coi đây là cơ hội mua vào. Theo ông, nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn vẫn rất lớn và vàng tiếp tục là lựa chọn hàng đầu.

Nhiều tổ chức tài chính dự báo giá vàng có thể đạt đến 3.200 USD/ounce, thậm chí lên đến 3.500 USD/ounce trong quý II/2025 nếu bất ổn kinh tế tăng.
Ông John Reade, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhìn nhận, giá vàng tăng nhanh cho thấy sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn kinh tế và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Thương chiến ngày càng căng thẳng khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa rủi ro. Việc giá vàng vượt mốc 3.000 USD/ounce càng khẳng định vai trò tài sản lưu trữ an toàn của vàng.
Theo ông John Reade, dù vàng đã vượt 3.000 USD/ounce nhưng vẫn được nhà đầu tư hết sức quan tâm. Vàng sẽ tiếp tục là tài sản lưu trữ an toàn được đông đảo nhà đầu tư lựa chọn thời gian tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, Trường Đại học Nguyễn Trãi, cho rằng giá vàng trong nước có xu hướng biến động theo diễn biến của giá vàng thế giới. Nhưng khác với các thị trường tự do, giá vàng trong nước còn chịu sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo cân bằng cung - cầu, ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tiền tệ quốc gia. Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao động thái từ cơ quan quản lý trước khi ra quyết định.
Còn ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, đánh giá vàng là công cụ phòng vệ đối với các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Việc Mỹ áp thuế sẽ dẫn đến phản ứng từ các nước nhưng chưa biết những phản ứng đó sẽ như thế nào.
Ông Minh cho rằng Chính phủ nên nhanh chóng xây dựng thị trường vàng chứng chỉ hiện đại, liên thông với thế giới thay vì thị trường vàng vật chất như hiện tại, giúp người dân, nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro, giảm bớt đầu tư nắm giữ vàng vật chất, góp phần ổn định thị trường vàng.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư vàng thời điểm này cần hết sức thận trọng, tránh chạy theo tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) vì sẽ mang lại rủi ro lớn.
Vàng là một kênh đầu tư quan trọng nhưng cũng như các loại tài sản khác, không nên chiếm tỷ trọng quá lớn trong danh mục đầu tư. Tỷ trọng vàng không nên vượt quá 10% danh mục để tránh rủi ro khi thị trường điều chỉnh.