"Giải cứu" thị trường BĐS sẽ lại nuôi hy vọng cho những nhà đầu cơ
Nhiều ý kiến đề xuất "giải cứu" thị trường bất động sản đã được đưa ra. Tuy nhiên cũng có không ít quan điểm cho rằng, thị trường bất động sản quá mang nặng tính đầu cơ, nếu "giải cứu" lúc này sẽ lại nuôi hy vọng cho những người đang có ý định đầu cơ.
Tìm đúng ‘nút thắt’ của tăng trưởng kinh tế
Trước những lời kêu gọi "giải cứu" thị trường bất động sản, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đưa ra góc nhìn khác. Ông Bảo cho hay, giá bất động sản thời gian qua tăng mạnh là do nhu cầu đầu cơ. Đối với nhu cầu thực, mua bất động sản để làm chỗ ở, nơi sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình kinh tế… sẽ không lớn như vậy. Hiện, cầu đầu cơ không còn mạnh, nó khiến cho giá chững lại hoặc giá giảm, đó là một điều tốt cho thị trường, không cần phải giải cứu.
Trước đây, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, kiểu mua đi bán lại đầu cơ quá nhiều. Một căn nhà hay lô đất tại nhiều dự án được mua đi bán lại, cố tình tạo ra một chu kỳ vòng quay rất lớn, thổi phồng giá lên. Đến khi có những trục trặc, bất ổn vĩ mô, không nên chỉ dựa vào nhận định của các nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản vốn quen với một chu kỳ làm ăn quá nhanh, quá thuận lợi, bây giờ không thuận lợi, lợi nhuận không như mong muốn cho là đóng băng. Vì vậy, những gì diễn ra trên thị trường bất động sản trong thời gian qua chỉ là sự điều chỉnh chậm lại.
Vị này cũng cho rằng, thay vì "giải cứu" bất động sản, nên tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ổn định lãi suất và tỉ giá. Nếu lãi suất tăng quá cao sẽ là một đòn chí mạng vào sức khỏe nền kinh tế, vì nó giáng vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp, vào túi tiền và cuộc sống của người dân.
Giữ được mức ổn định lãi suất sẽ làm cho doanh nghiệp không nản chí, ngược lại, nếu lãi vay quá cao, họ sẽ đình chỉ hết tất cả dự án, các ý tưởng kinh doanh. Người tiêu dùng cũng sẽ không nghĩ đến việc chi tiêu tiêu dùng, đầu tư hay trang trải cho cuộc sống.
Ổn định lãi suất và ổn định tỉ giá có ý nghĩa rất lớn đối với ổn định vĩ mô. Nếu dừng được đà tăng lãi suất, đồng thời giữ ổn định tỉ giá hối đoái sẽ củng cố lòng tin của người dân đối với sức mạnh của tiền đồng, giúp ổn định kỳ vọng lạm phát.
Mặt khác, không nên nới room tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho bất động sản, bởi thị trường bất động sản quá mang nặng tính đầu cơ, như một cái hố đen, hút hết tất cả mọi nguồn vốn vào trong đó. Nếu giải cứu bất động sản lúc này, không biết bao nhiêu vốn là đủ.
Nếu nới room tín dụng để bơm thêm 100.000 tỉ vào thị trường cũng không đủ để "giải cứu" thị trường bất động sản. Nếu không kiên định quan điểm không nới room tín dụng (chính là không tăng cung tiền), chúng ta đã thổi vào suy nghĩ của người dân một thông điệp rằng chính sách tiền tệ có thể nới lỏng, điều đó sẽ tạo ra kỳ vọng lạm phát. Những người đang có ý đầu cơ, lại nuôi hy vọng và ra quyết định.
Không nên giải cứu thị trường bất động sản
Ở Việt Nam bất động sản được dung dưỡng, ai cũng nghĩ tới bất động sản như một nơi tạo ra lợi nhuận không ngành nghề nào bằng. Mọi người thay vì suy nghĩ, nung nấu và triển khai những ý tưởng kinh doanh tốt đẹp thì lại đổ xô đi mua bán đất kiếm lời. Đất như hố đen nó hút tất cả mọi thứ vào trong đó, và những ý tưởng sáng tạo đó sẽ mất dần, người ta sẽ từ bỏ nó.
Cần xem những bất ổn, điều chỉnh của thị trường, nguy cơ bong bóng nợ xấu, những dự án sai phạm là khối u của nền kinh tế. Cắt khối u đi sẽ rất đớn đau và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng điều đó sẽ mở ra một tương lai khỏe mạnh, hơn là chúng ta tiêm quá nhiều thuốc giảm đau rồi băng bó lại. Khối u mãi vẫn còn.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải tự cân đối lại, cấu trúc lại các nguồn lực, cấu trúc lại cơ cấu đầu tư để làm giảm các khâu bị phân tán nguồn lực. Đồng thời, lựa chọn những phân khúc phù hợp để sớm đưa vào thị trường.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, cũng cho rằng nhà nước không nên ưu tiên và cũng không có nhiều nguồn lực để giải cứu bất động sản. Trong tường hợp nhà nước có đủ nguồn lực thì lĩnh vực nào cũng đáng để giải cứu cả, không riêng gì bất động sản.
Hiện có không ít quan điểm cho rằng nếu không giải cứu, thị trường bất động sản sụp đổ sẽ tạo ra hiệu ứng lây lan, kéo nhiều ngành nghề khác sụp đổ theo và gây khủng hoảng kinh tế, từ đó đề ra những chính sách giải cứu như: nới room tín dụng, hỗ trợ thanh khoản, dùng vốn đầu tư công để bơm ra thị trường… Nhưng liệu các quan điểm đó đã tính tới chi phí giải cứu có tương xứng với hiệu quả thu về chưa?
Ông Bảo đặt vấn đề cụ thể, bơm tiền để giải cứu bất động sản, có chắc rằng tiền đến đúng chỗ cần giải cứu hay không, hay nó sẽ lòng vòng đi vào những mục đích sử dụng khác, để rồi cái cần giải cứu thì vẫn bị bỏ mặc mà lại phát sinh thêm những vấn đề cần giải cứu mới? Trên thực tế, chúng ta đã hơn một lần chứng kiến những ý tưởng chính sách tốt đẹp bị “bóp” méo như thế nào.
Mặt khác, chúng ta cũng cần thấy rằng giải cứu là một biện pháp bất đắc dĩ. Ví như một gia đình suốt ngày cưng chiều một đứa con hư, luôn làm theo những yêu sách của nó, không để nó tự chịu trách nhiệm với những hành vi của chính mình. Một phương pháp giáo dục như vậy không bao giờ tạo nên một đứa trẻ ngoan. Tương tự, một thị trường luôn có tâm thế làm sai rồi đòi giải cứu không bao giờ là một thị trường trưởng thành và có thể phát triển lành mạnh. Chúng ta cần phải để thị trường bất động sản tự điều chỉnh. Và nhà đầu tư bất động sản, qua đây, cũng rút ra được bài học cho chính mình.