Giám sát chặt tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán

Xác định kinh doanh BĐS, chứng khoán là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán.
Siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định, giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS), chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.

Đến tháng 8/2022, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó kinh doanh BĐS tăng 7,35%; phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 20,14%. Trong khi đó, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07%, chiếm 0,32%. Đến 30/6/2022, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 1,72% so với cuối năm 2021, chiếm 0,88%.

Xác định kinh doanh BĐS, chứng khoán là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Theo đó, cơ quan quản lý ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.. Giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Riêng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD, việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án BĐS có quy mô lớn; Tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân…

Ngân hàng Nhà nước lưu ý, đầu tư nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Ngọc Sơn

Theo VietnamFinance