Kiểm soát việc doanh nghiệp bất động sản huy động vốn

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Hiện nay dư địa cho vay bất động sản vẫn còn, đặc biệt là phân khúc nhà ở và những phân khúc thiếu nguồn cung khác.  
Hiện nay dư địa cho vay bất động sản vẫn còn, đặc biệt là phân khúc nhà ở và những phân khúc thiếu nguồn cung khác.  

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng nhà nước kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Đồng thời yêu cầu Bộ này chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật. Kiểm tra, rà soát các chỉ tiêu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phù hợp về quy hoạch đất của các ngành nghề, lĩnh vực đảm bảo hài hoà hợp lý, tránh chồng lấn, phát sinh khiếu kiện.

Ngoài ra, Thủ tướng còn giao NHNN theo dõi, giám sát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Trên thực tế, trước các biện pháp "siết chặt" việc phát hành trái phiếu và loạt vướng mắc trong thủ tục đầu tư vẫn "chờ luật", thị trường bất động sản sau thời gian tăng nóng đã bắt đầu chững lại. Thị trường đối mặt với các rủi ro dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, kéo theo giảm đà phục hồi kinh tế…

Tại hội thảo mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu thực trạng, Việt Nam đang gặp tình trạng dư cung nhưng đồng thời cũng thiếu cung ở một vài phân khúc chủ chốt của thị trường bất động sản dẫn đến không có hàng để bán nên dòng tiền bị âm. Nhiều dự án “đắp chiếu” do thiếu vốn không có tiền triển khai, không có tiền giải phóng mặt bằng…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, cần xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn cho thị trường này thông qua việc sớm xây dựng đạo luật về trái phiếu doanh nghiệp.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu thực tế, gần đây hiện tượng đọng vốn cho doanh nghiệp là một điều nhức nhối. Hiện có khoảng 30 - 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Trước đây các doanh nghiệp thường gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Ông Lực cho rằng, hiện nay dư địa cho vay bất động sản vẫn còn, đặc biệt là phân khúc nhà ở và những phân khúc thiếu nguồn cung khác. 

"Tôi đồng tình chỉ tăng trưởng trên cơ sở kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro nhưng vẫn phải để thị trường phát triển", ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản, dẫn đến dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, và làm giảm đà phục hồi kinh tế.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống