Giữa lùm xùm nợ lương, ông Nguyễn Tử Quảng vẫn rót tiền lập thêm công ty

Công ty cổ phần BkavGPT có vốn điều lệ 1 tỷ đồng và do ông Nguyễn Tử Quảng nắm giữ 98% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Tử Hoàng (1%) và ông Nguyễn Tử Quang (1%).

Theo đó, Công ty cổ phần BkavGPT được thành lập vào ngày 1/2024, trụ sở tại tại tòa nhà HH1 khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, đăng ký 25 ngành nghề, trong đó hoạt động chính là ngành mảng xuất bản phần mềm. 

Doanh nghiệp này đăng ký vốn điều lệ 1 tỷ đồng và do ông Nguyễn Tử Quảng nắm 98% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Tử Hoàng (1%) và ông Nguyễn Tử Quang (1%).

Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc của BkavGPT là ông Trần Nhân Anh (sinh năm 1987, thường trú tại Hải Phòng).

Thông tin về Công ty cổ phần BkavGPT.
Thông tin về Công ty cổ phần BkavGPT.

Công ty Công ty cổ phần BkavGPT được thành lập giữa thời điểm một trong số các công ty con của Bkav là Công ty cổ phần Điện tử BHS đang bị người lao động tố cáo về tình trạng nợ lương. 

Công ty cổ phần Điện tử BHS được Bkav công bố vào tháng 5/2022. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử, định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM.

Tháng 10/2022, trên mạng xã hội Facebook, đích thân CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã kêu gọi góp vốn cho BHS với lãi suất 10%/năm. Sau 3 năm, nhà đầu tư được nhận lại tiền gốc và nhận thêm tiền mặt bằng số tiền gốc.

Thời điểm đó, ông Quảng cho biết định mức đầu tư là 100 triệu đồng, theo hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ví dụ, nhà đầu tư góp 100 triệu đồng cho Bkav thực hiện kinh doanh. Mỗi năm, khách hàng sẽ nhận 10% của 100 triệu đồng là 10 triệu đồng. Số tiền được chia theo 12 tháng và chuyển trước ngày 10 tháng sau. Ngoài ra, đến hết 3 năm, nhà đầu tư nhận lại 100 triệu gốc và thêm 100 triệu đồng. Tổng cộng, người này nhận 230 triệu đồng sau 3 năm góp 100 triệu đồng cho Bkav.

Liên quan đến Bkav, trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2023 của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND), công bố hồi tháng 1/2023, công ty chứng khoán này bất ngờ phát sinh khoản phải thu khó đòi hơn 31,5 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023) đối với khách hàng là Công ty cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV (Bkav Pro).

Tại thời điểm cuối năm 2023, VNDirect đang phải trích lập dự phòng hơn 22 tỷ đồng đối với khoản phải thu khó đòi hàng chục tỷ này đối với Bkav Pro.

Bkav Pro thành lập ngày 12/3/2019 với số vốn đăng ký 120 tỷ đồng. Đây được xem là một pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Bkav của ông Nguyễn Tử Quảng (sinh năm 1975). Vị doanh nhân này đang đảm nhận vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bkav Pro.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, Bkav Pro lãi ròng 4,4 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong năm 2021 và 2022, Bkav Pro ghi nhận lợi nhuân sau thuế lần lượt ở mức 99,2 tỷ đồng và 40,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro ở mức gần 207 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ghi nhận từ 6,7% cùng kỳ năm trước xuống 2,1% ở kỳ này.

Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 138% lên 152%, tương ứng nợ phải trả ở mức 315 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 67% lên 82%, tương ứng dư nợ trái phiếu 170,3 tỷ đồng.

Ái Nhi

Theo VietnamFinance