GS Đặng Hùng Võ: Cơ chế giao đất thông qua đấu giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, giao đất thông qua đấu giá sẽ khiến giá đất ngày càng cao, làm cho đầu vào của quá trình sản xuất càng tăng. Từ đó, chi phí giá thành sản xuất hàng hoá tăng càng cao. Hàng hoá sản xuất trong nước mà có giá thành cao thì nền kinh tế trở nên yếu ớt về năng lực cạnh tranh, hậu quả sẽ rất lớn.

Chia sẻ tại hội thảo “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi luật Đất đai”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT bày tỏ quan điểm rằng, đấu giá đất là phương pháp bán làm sao được giá cao nhất nhưng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ, hậu quả cho nền kinh tế.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Ông nói: “Quan điểm của tôi là không ủng hộ giao đất thông qua đấu giá. Giao đất thông qua đấu giá sẽ khiến giá đất ngày càng cao, làm cho đầu vào của quá trình sản xuất càng tăng. Từ đó, chi phí giá thành sản xuất hàng hoá tăng càng cao. Hàng hoá sản xuất trong nước mà có giá thành cao thì nền kinh tế trở nên yếu ớt về năng lực cạnh tranh, hậu quả sẽ rất lớn”.

Ông cho rằng, cần phải có giải pháp để chính quyền giao đất trực tiếp, theo chỉ định. Đồng thời, tìm cách giải được sự tham nhũng trong cơ chế giao đất trực tiếp.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, trường hợp chưa tìm ra cách triệt tiêu tham nhũng của cơ chế giao đất trực tiếp thì nên xem xét cách thức giao đất thông qua đấu thầu dự án. Với phương thức đấu thầu dự án có thể phân tích được tính toàn diện lợi ích của kinh tế, xã hội, môi trường… phản ánh yêu cầu của phát triển đất nước.

“Trong phát triển, không nên chỉ chăm chăm chú trọng thu được lợi ích từ việc đấu giá đất mà cần thiết kết hợp hài hoà lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở giải bài toán chi phí lợi ích kinh tế. Một dự án phải có tổng chi phí thấp hơn tổng lợi ích, hay nói cách khác, lợi ích càng cao, dự án càng hiệu quả. Chúng ta nên đi theo cách đó. Còn đấu giá quyền sử dụng đất, chính là ai trả cao thì người ấy thắng. Ngoài chuyện tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, còn tiềm ẩn việc thao túng thị trường đất đai, đầu cơ thông qua đấu giá, gây hỏng cả thị trường”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Bên cạnh đó, GS Võ cho biết, nếu đẩy mạnh giao đất qua đấu giá đất sẽ có nhà đầu cơ giá đất thông qua đấu giá. Cơ chế đấu giá là không phù hợp, ít nước trên thế giới sử dụng để giao đất mà thường chỉ bán quyền phát triển theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhà đầu tư mua rồi còn đầu tư dự án gì thì theo cung cầu của thị trường. Ví dụ, khi mua được quyền phát triển, nhà đầu tư có thể triển khai dự án rạp chiếu phim thay vì trung tâm tiệc cưới do thấy hiệu quả hơn…

Ủng hộ quan điểm giao đất qua cơ chế đấu thầu, GS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đấu thầu dự án sử dụng đất là đưa ra tiêu chí lựa chọn sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tính toán cân bằng được giữa lợi ích kinh tế, xã hội, phát triển bền vững… Người đưa ra được phương án sử dụng đất mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.

Ông Cường cho rằng, giá trúng đấu thầu đất chỉ là giá tối thiểu. Sau khi hoàn thành dự án thì nhà đầu tư sẽ phải thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước trên cơ sở các diện tích đất thương phẩm. Định giá lại mức giá của các loại đất thương phẩm trên cơ sở giá đất cùng loại liền kề dự án. Phần giá cao hơn sản phẩm ngoài dự án là giá trị của chủ đầu tư dự án.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống