Hà Nội bổ sung quy hoạch nhà hát khu vực Hồ Tây
Tại ô quy hoạch 19 thuộc địa bàn phường Quảng An (quận Tây Hồ) sẽ xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô.
Ngày 21/10, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức công bố điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực.
Việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở Quyết định ngày 10/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội.
Theo thông tin được nhiều tờ báo đăng tải, quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 77,46 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng An, Tứ Liên (quận Tây Hồ). Về ranh giới, phía Bắc giáp hồ Tây và khu dân cư; phía Tây giáp hồ Tây; phía Nam giáp hồ Tây và khu biệt thự hồ Tây, khu dân cư; phía Đông giáp đường Âu Cơ. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận nhằm hình thành khu vực không gian văn hóa, tâm linh kết hợp trục không gian cảnh quan công cộng, quảng trường, khu vực thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng; xác định cụ thể vị trí xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội và làm cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu trên cơ sở giữ nguyên phạm vi ranh giới, quy mô diện tích và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17, 19 theo quy hoạch phân khu được duyệt (tổng dân số khoảng 3.510 người), đề xuất điều chỉnh tăng quy mô đối với mạng lưới đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đề xuất các giải pháp tổ chức, phân luồng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm đáp ứng tối đa lưu lượng giao thông và khả năng kết nối với các khu vực lân cận, bảo đảm các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Trong đó, tại ô quy hoạch 19 xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô, kết hợp trục không gian công cộng, quảng trường, khu vực thương mại dịch vụ, du lịch tại các ô đất ký hiệu 19/CXDT-la, 19/CXDT-1b, 19/CXDT-2, 19/CXDT-4, chỉ tiêu mật độ xây dựng tối đa 25%. Đồng thời, điều chỉnh bổ sung, mở rộng, nâng cấp hạng một số tuyến đường giao thông bảo đảm đáp ứng lưu lượng giao thông cho nhu cầu của công trình nhà hát và các khu vực lân cận.
Cụ thể: Đối với ô quy hoạch 16, bổ sung 2 đoạn tuyến đường kéo dài đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An kết nối từ đường Xuân Diệu đến đường Âu Cơ (quy mô mỗi tuyến làn đường rộng 21m, 4 làn xe).
Đối với ô quy hoạch 17, mở rộng thành phần mặt cắt ngang 2 tuyến đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An từ 19,5m (2 làn xe) lên thành 21m (4 làn xe).
Đối với ô quy hoạch 19, mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường kết nối từ đường Đặng Thai Mai đến ô đất 58 đường Tây Hồ từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 22m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nội bộ phía Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam xóm Chùa (xóm Mấu) từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nối từ đường Đặng Thai Mai vào phủ Tây Hồ tăng từ 13,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe).
Đoạn phố Quảng Khánh đi qua khu vực nhà hát sẽ được thay thế bằng tuyến đường quy hoạch mới phía Đông Bắc hồ Đầm Trị (bảo đảm tối thiểu 2 làn xe chạy). Kết nối không gian nhà hát với các tuyến đường lân cận được thông qua 3 cầu nổi trên mặt nước (mặt cắt ngang rộng từ 2,5 - 5m) phục vụ cho việc đi bộ, xe điện và xe cứu hỏa khi có sự cố, lối vào phục vụ hậu cần và kỹ thuật được thông qua đường hầm từ tuyến đường kết nối phía Đông Nam của nhà hát.
Đoạn tuyến kết nối với không gian của nhà hát sẽ được nghiên cứu cụ thể trong giai đoạn Quy hoạch tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm các yêu cầu về giao thông, không gian kiến trúc cảnh quan và các yêu cầu kỹ thuật khác.
Liên quan đến việc xây dựng nhà hát ở Hồ Tây, vào năm 2017, trong cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô đầu xuân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Đức Chung đã lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây.
Theo ông Nguyễn Đức Chung - thời điểm đó đang là Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì từ năm 1954 tới nay, Hà Nội chưa xây được thêm nhà hát nào. Nhà hát Opera được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Nhà hát này dự kiến được xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ với tiêu chuẩn quốc tế.
Đến tháng 9/2017, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án này cho biết đã mời kiến trúc sư nổi tiếng của Ý để thiết kế nhà hát này với mục đích xây dựng một nhà hát mang tính biểu tượng, điểm nhấn văn hóa của Thủ đô.
Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa chính thức được triển khai.
Ngoài kế hoạch xây dựng nhà hát Opera này, với mong muốn có những nhà hát xứng tầm với Thủ đô ngàn năm lịch sử, Hà Nội cũng ấp ủ kế hoạch đầu tư xây dựng nhà hát Hoa Sen (tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 - khu đô thị mới Cầu Giấy) và nhà hát Thăng Long- ban đầu được hoạch định ở khu X2 Mễ Trì (Từ Liêm), sau được tính chuyển về ô quy hoạch có ký hiệu 20 khu vực bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen. Nguyên nhân dừng là do một số nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư dự án này. Hơn nữa, qua cân đối nguồn lực của TP không đáp ứng được nên lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã quyết định dừng xây dựng nhà hát Hoa Sen.
Còn nhà hát Thăng Long, nhiều năm trôi qua dự án này vẫn nằm trên giấy do Hà Nội chưa cân đối được ngân sách. Năm 2017, Sở KH-ĐT TP Hà Nội cho biết do có khó khăn về nguồn vốn nên Hà Nội dự định thay đổi hình thức đầu tư, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để triển khai dự án.