Có nên đầu tư bất động sản Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh trước thông tin quy hoạch mới?

Trước thông tin được đề xuất lên thành phố trực thuộc, thị trường nhà đất các khu vực như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn vốn dĩ ‘yên bình’ nay được phen ‘dậy sóng’. Câu hỏi đặt ra, trước thông tin quy hoạch mới, nhà đầu tư có nên xuống tiền đầu tư?

Có nên đầu tư bất động sản Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh trước thông tin quy hoạch mới? - Ảnh 1

Sau khi Hà Nội đề xuất 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố, một số khu vực đã nhận được sự quan tâm đáng kể của nhà đầu tư. Đây có lẽ không phải chuyện lạ trên thị trường bất động sản. Trong nhiều năm qua, cứ hễ có thông tin quy hoạch mới là thị trường nhà đất khu vực đó lại được dịp ‘đắt khách’.

Giá đất Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đang ở mức nào?

Tại Đông Anh, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 20 – 30 triệu đồng/m2. Những ảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 45 – 55 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 – 130 triệu đồng/m2, tùy vị trí, ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.

Còn giá đất tại một số dự án hiện nay có mức giá dao động từ 35 – 70 triệu đồng/m2. Một số dự án tại trung tâm huyện có nơi giá đã chạm mức 100 triệu đồng/m2.

Tại Mê Linh, hiện nay đất dự án nơi này đang dao động khoảng từ 14,5 – 30 triệu đồng/m2. Trong mấy năm gần đây, thị trường này lại ghi nhận điểm sáng là đất đấu giá khi nhiều lô đất giá trúng cao gấp 2, thậm chí 3 lần so với giá khởi điểm.

Đơn cử, gần đây nhất là cuối tháng 6 vừa qua, phiên đấu giá tại Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội), phiên đấu giá thu hút được cả các nhà đầu tư từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang,… Trong đó, các lô đất có giá khởi điểm từ 10 – 16,1 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng dao động từ 32 – 37 triệu đồng/m2, gấp 2 – 3 lần so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên nhìn chung thị trường nhà đất Mê Linh những năm qua chưa có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý, huyện này vẫn còn nhiều dự án vẫn nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay vì những lý do khác nhau như vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, pháp lý,…

Còn tại Sóc Sơn, những ngày gần đây xuất hiện la liệt các thông tin rao bán, đất thổ cư, tái định cư, đất vườn,… Khảo sát ở 3 khu vực Hiền Ninh, Minh Phú và Minh Trí, giá đất hiện đang rao động từ 4 – 8 triệu đồng/m2, đối với đất rõ ràng pháp lý.

Thậm chí, ở khu vực này, đất lâm nghiệp, đất rừng cũng được rao bán rầm rộ hiện nay có mức giá 130 – 140 triệu đồng/sào (tương đương 360m2). Loại đất này chủ yếu sự quan tâm đến từ nhà đầu tư có nhu cầu xây homestay kinh doanh, biệt thự nghỉ dưỡng và làm second home.

Nhà đầu tư có nên xuống tiền ‘lướt sóng’ đón quy hoạch?

Tại Talkshow “Tìm kiếm bất động sản ‘hot’ và lựa chọn chiến lược đầu tư sau đại dịch” do Cafeland tổ chức ngày 14/10, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, việc có thông tin mô hình “thành phố trong thành phố” tại Hà Nội giống việc thành lập TP Thủ Đức tại TP HCM trước đây.

“Tôi có ba lời khuyên mà nhà đầu tư có thể tham khảo. Thứ nhất, khi chúng ta mua gì đó thì xuất hiện kỳ vọng lợi nhuận, chúng ta đầu tư phải xác định được lợi nhuận quay về nhanh nhất. Thứ hai là tính thanh khoản, nhà đầu tư cần lưu ý, chúng ta mua rồi bán lời ít cũng được nhưng phải bán được, chuyển nhượng được. Cuối cùng, chúng ta cần xem xét về pháp lý, quy hoạch”, ông Khương nói.

Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ thêm, nếu nhà đầu tư chưa rõ thông tin quy hoạch có thật hay không, như thế nào thì cần xem xét cẩn thận.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư xem xét tính pháp lý và giá đất hiện tại, đồng thời cần cẩn trọng sử dụng đòn bẩy tài chính, cân nhắc đừng để trở thành gánh nặng khi quyết định sử dụng nó để đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Sau 2 tháng Hà Nội giãn cách, nhà đầu tư, giới “cò” đất Hà Nội đã cảm thấy “cuồng chân” chính vì thế tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội ngay sau hết giãn cách nhà đầu tư đã đổ bộ về đây cập nhật thị trường.

Trong khi quỹ đất tại các khu vực “truyền thống” ở phía Tây như Hoài Đức, Đan Phượng hay Thạch Thất đã tăng cao, kém hấp dẫn, thì giới đầu tư tìm đến các thị trường có giá đất rẻ hơn, và chuẩn bị có quy hoạch mới.

Ông Đính nhận định, trong bối cảnh Hà Nội quy hoạch Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố sẽ đẩy 3 thị trường này tiếp tục là “điểm nóng” của thị trường. Trong khi đất Đông Anh đã sốt liên tục và tăng quá cao thì nhà đất Mê Linh đang có sự tăng trưởng từ mức thấp nên sự quan tâm dồn về khu vực này cũng là điều dễ hiểu.

An Nhiên

Theo Kinh doanh & Phát triển