Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 4

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp triển khai một số dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (bao gồm đoạn Cần Thơ - Cà Mau): Dự án này Chính phủ đã có ý kiến; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Tờ trình và hồ sơ có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.

Đối với Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: UBND TP.HCM chủ trì, cùng với Bộ Giao thông vận tải (trên cơ sở thống nhất với UBND các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai) chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội: Giao UBND phố Hà Nội chuẩn bị đầu tư Dự án (trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và thành phố Hà Nội.  
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và thành phố Hà Nội.  
 

Trong các dự án này, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 98km được đề xuất làm đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến.

Cụ thể, tại cuộc họp hồi tháng 5 vừa qua giữa lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, ngoài  quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường Vành đai 4, các tỉnh, thành đề xuất thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc trên cao thay cho tuyến mặt đất quy mô 4-6 làn xe. Việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện một lần bằng vốn đầu tư công. Cùng với đó, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư theo địa phận của từng địa phương, các tỉnh thống nhất sẽ triển khai toàn tuyến, nhằm bảo đảm tính kết nối.

Theo tính toán, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án nếu là cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỷ đồng, đi trên cao toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng).

So sánh phương án 1 (tuyến đi trên mặt đất với quy mô mặt cắt ngang đường rộng 120m theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với phương án 2 (đề xuất nghiên cứu xây dựng đường cao tốc trên cao), Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, phương án 1 có ưu điểm là quy mô mặt cắt ngang đủ lớn để bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai trong thành phần đường; thi công xây dựng đơn giản, chi phí xây dựng công trình thấp; tổ chức các nhánh tách nhập đường cao tốc từ đường gom thuận lợi. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là quy mô chiếm dụng đất lớn (riêng trên địa bàn Hà Nội là 740ha); chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn; kết nối giao thông đô thị hai bên tuyến đường phức tạp (phải xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt, hoặc phải đi vòng đến các nút giao khác mức trên tuyến).

Phương án 2 thi công xây dựng phức tạp, chi phí xây dựng công trình lớn song có nhiều ưu điểm. Cụ thể: Quy mô chiếm dụng đất thấp (giảm khoảng 1/4 tổng diện tích chiếm đất xây dựng tuyến đường); tổ chức giao thông đô thị kết nối hai bên tuyến đường thuận lợi do không phải xây dựng cầu vượt hoặc hầm; giảm phạm vi chiếm dụng đất tại các nút giao liên thông.

Đánh giá về đề xuất quy hoạch, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, bởi mặc dù mức đầu tư lớn hơn nhưng công năng sử dụng và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Minh Thái

Theo Đất Việt