Hà Nội muốn làm Vành đai 4 đi trên cao: Băn khoăn

Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, đường trên cao gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, cũng không tiết kiệm đất vì dưới cầu bỏ không.

UBND TP Hà Nội và 4 tỉnh gồm Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chấp thuận chủ trương triển khai đầu  tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô, toàn tuyến đi trên cao.

Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (kinh phí đầu tư khoảng 135.000 tỷ đồng) tương tự như phương án đường cao tốc trên cao vành đai 3 - Hà Nội đã xây dựng, khai thác.

Trước đó, theo thông tin tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, thường trực tỉnh ủy 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang, tuyến đường vành đai 4 có mặt cắt ngang khoảng 120 m, trong đó dự kiến 30 m là đường sắt quốc gia và 90 m là đường bộ với cao tốc đi trên cao.

Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là cần thiết. Tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT bày tỏ băn khoăn: Với mặt cắt 120 m, đường vành đai 4 đủ bố trí cho tất cả các làn xe, tại sao lại xây cầu trên cao mấy chục km?

Hà Nội muốn làm Vành đai 4 đi trên cao: Băn khoăn - Ảnh 1
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh. Nguồn: UBND TP Hà Nội.

"Chỉ xây cầu khi vượt sông, qua nút, còn bình thường, nếu mặt cắt ngang đủ thì làm đường, vì làm đường rẻ hơn làm cầu rất nhiều. Đường trên cao gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, cũng không tiết kiệm đất vì dưới cầu bỏ không.

Điều quan trọng là khi hết thời gian sử dụng, mặt đường dùng máy tái chế xử lý là xe chạy ngon. Còn làm cầu trên cao, 50-60 năm sau cầu hỏng, phá dỡ xây mới là cả một vấn đề.

Tất nhiên lúc ấy những người đưa ra phương án này có lẽ không còn trên cõi này nhưng để lại gánh nặng cho thế hệ sau", GS.TS Bùi Xuân Cậy bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia nhắc lại đường vành đai 2, vành đai 3 tại sao bắt buộc phải làm cầu trên cao? Đó là vì trong nội đô đất hẹp, khi quy hoạch không đủ mặt cắt ngang để làm đường. Vấn đề của các tuyến vành đai trên cao này là sau mấy chục năm nữa, khi cầu hết hạn sử dụng, dỡ đi sẽ rất khó khăn và phức tạp.

Còn với vành đai 4, quỹ đất không phải là vấn đề, mặt cắt ngang tới 120 m thì không cần làm cầu cạn toàn tuyến, chỉ cần làm cầu vượt khi qua sông hay qua nút cho tiết kiệm chi phí.

"Đại lộ Thăng Long ở Hà Nội hay Xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa là ví dụ, không cần phải làm cầu toàn tuyến cho đắt tiền", GS.TS Bùi Xuân Cậy dẫn chứng.

Trong khi đó, cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, đường vành đai 4 trước sau gì cũng phải làm bởi Hà Nội lớn như vậy, các nơi khác đổ về, nếu không có đường vành đai 4, phương tiện sẽ chạy vào đường vành đai 3, mật độ ở trung tâm quá dày đặc.

Do đó, xây dựng đường vành đai 4 là để phân luồng, phương tiện nào không vào nội thành thì đi vành đai 4 để sang vùng khác, phương tiện nào có nhu cầu vào trung tâm thì đi đường vành đai 3, vành đai 2.

"Từ trung tâm ra các phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các đường phân chia. Để nối các đường phân chia này với nhau thì cần xây dựng đường vành đai. Đó là hệ thống xương sống của giao thông một thành phố.

Việc làm đường trên cao hay thấp nằm trong quy hoạch chung, nó phải kết nối được với các đường phân chia. Đường phân chia cao thì đường vành đai cũng phải cao để có thể kết hợp với nhau. Nếu nhiều đường phân nhánh mà không làm đường trên cao thì khi giao cắt nhau lại ách tắc giao thông", ông Thám nói và cho rằng, việc làm đường vành đai trên cao chủ yếu giải quyết vấn đề vận tải hàng hóa, còn để giải quyết vấn đề giao thông, vận chuyển hành khách thì tàu điện ngầm là một lựa chọn tốt. 

Vị chuyên gia cũng thừa nhận, làm vành đai 4 là đường trên cao toàn tuyến sẽ rất tốn kém, không khác gì làm cầu.

"Một cây cầu đã khoảng 1 tỷ USD, giờ làm đường vành đai thì con số rất lớn", PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho biết.

5 tỉnh, thành phố cho rằng dự án vành đai 4 sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ sinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng thủ đô.

Về phương án tài chính, các tỉnh, thành phố cho rằng, với mức kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng (chưa kể kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng), việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là khó khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài.

Vì vậy, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

 

Thành Luân

Theo Đất Việt