Hà Nội lập đồ án quy hoạch phân khu 4 khu công nghiệp
Theo Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025, UBND TP. Hà Nội đã bổ sung danh mục cho 4 đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn, quy mô 302,8 ha; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đông Anh, thuộc các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thuỵ Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, quy mô 300ha;
Ngoài ra còn quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, thuộc các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở, Văn Phú, huyện Thường Tín, quy mô 112 ha; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp thuộc các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến, huyện Thường Tín, quy mô 174,8ha.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch nói trên.
Thời gian lập quy hoạch dự kiến kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025. Ranh giới, quy mô các quy hoạch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch.
Được biết, trước đó UBND TP. Hà Nội đã ban hành tại Quyết định số 3339/QĐ-UBND ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030. Thời gian ủy quyền kể từ tháng 9/2022 đến hết tháng 12/2026.
UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Theo UBND TP, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động ổn định, với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đều được đánh giá là có cơ sở hạ tầng phát triển. Chính điều này tạo nên sự kết nối, và trở thành đòn bẩy cho các khu công nghiệp ở khu vực lân cận.
Các khu công nghiệp có vai trò quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới.
Đồng thời, cụ thể hóa chiến lược phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất các địa phương của thành phố; bảo đảm việc phát triển các khu công nghiệp khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng hình thành khu công nghiệp tại những địa điểm, vị trí thuận lợi về giao thông thủy, bộ, có khả năng liên kết phát triển và thu hút đầu tư, có vai trò chủ đạo đối với việc phát triển công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều ngành nghề thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố như công nghiệp điện, điện từ, công nghiệp cơ khí chế tạo, các ngành công nghiệp khác liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc....