Hà Nội muốn đưa 3 huyện lên thành phố: Không nên vội
Theo chuyên gia, việc lập "thành phố trong thành phố" không nên vội vàng, cần chờ một vài năm để tổng kết mô hình thí điểm ở Thủ Đức.
Báo cáo HĐND TP về Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng.
Đồng thời, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.
Trao đổi với Đất Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho biết, chủ trương lập "thành phố trong thành phố" hiện nay pháp luật đã cho phép, không phải chỉ có TP.HCM.
Trong đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô hiện nay cũng có đề xuất chính sách đặc thù - xây dựng thành phố trong thành phố Hà Nội, nhưng đề xuất này chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về việc lập "thành phố trong thành phố", GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đây là hướng phát triển đô thị hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là bài toán quy hoạch tổng thể giữa "thành phố nhỏ" với 'thành phố lớn", làm thế nào để mối quan hệ, các hoạt động của nó hiệu quả, làm thế nào để tạo động lực thúc đẩy phát triển từng địa phương nếu đi lên thành phố.
"Mục tiêu cuối cùng là nguồn thu ngân sách của thành phố không ngừng tăng lên và đời sống của người dân nhờ vậy được nâng cao", ông nhấn mạnh.
Ngược lại, nếu lập thành phố trong thành phố để rồi dồn nguồn lực đầu tư vào đó mà nguồn thu từ thành phố đó đóng góp cho thành phố lớn không tương xứng thì cần phải xem lại. Hoặc nếu lập thành phố trong thành phố để rồi hình thành quỹ đất, từ đó phát triển thì đó chỉ là một khía cạnh và nguồn lực đó cũng có giới hạn.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, TP Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề chưa được như mong muốn, mà trước hết là quy hoạch. Mỗi lần mở đường là lại thêm nhà siêu mỏng, xiêu vẹo... Bên cạnh đó là bài toán an sinh xã hội, tắc đường, ô nhiễm môi trường... đều là những vấn đề lớn đến nay Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong.
"Quan trọng là người hưởng lợi cuối cùng phải là người dân và gánh nặng ngân sách sẽ ra sao. Không thể lập thành phố trong thành phố rồi trông chờ ngân sách rót xuống hay lập ra để hưởng đầu tư lớn hơn, có chính sách đặc biệt. Đây không phải là vấn đề trọng yếu", ông chỉ rõ.
GS.TS Đặng Đình Đào cho biết, ngay từ khi Thủ Đức trở thành thành phố trực thuộc TP.HCM đã có thể thấy trước sự kiện này sẽ mở đường để nhiều mô hình tương tự được thành lập ở những thành phố trực thuộc Trung ương. Bằng chứng là ngay sau đó, Hải Phòng đã đề xuất xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng, bây giờ đến Hà Nội và sau này có thể là nhiều địa phương khác cũng mong muốn có thành phố trong thành phố. Ông lo ngại việc này sẽ trở thành một trào lưu.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng không nên vội vàng. Từ mô hình thí điểm ở Thủ Đức, cần ít nhất vài năm để tổng kết thực tiễn, đánh giá mô hình này.
"Như Hà Nội, việc lập thành phố trong thành phố có cấp thiết không? Nhìn vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội của Hà Nội nhưng năm qua, với mô hình hiện nay có kìm nén sự phát triển của Thủ đô hay không?
Nếu lập thành phố trong thành phố để rồi chỉ xây dựng mấy khu công nghiệp để gia công thì không ăn thua. Phải là thành phố công nghiệp sáng tạo, sản xuất cơ khí lớn hay những nơi tạo ra giá trị gia tăng lớn. Cho nên, nếu sau này thực hiện, tốt nhất Hà Nội nên chọn một điểm làm trước, thay vì 3 điểm như đề xuất", GS Đào gợi ý.
Là chuyên gia logistics, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển vẫn luôn trăn trở về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định 1012/2015 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này, Hà Nội sẽ thành lập 2 trung tâm logistics lớn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hình thành. Với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, ông Đào lo ngại vài năm nữa Hà Nội sẽ không còn đất để mà làm, trong khi đây là vấn đề cấp thiết.
"Cần cân nhắc việc gì cần ưu tiên làm trước, việc gì có thể làm sau. Thành phố trong thành phố có thể không cần gấp gáp như vậy", ông nói.