Hà Nội: Rà soát dự án nghìn tỷ của 'ông trùm' BOT Tasco

Khu đô thị sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa) nằm tại quận Nam Từ Liêm do Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) làm chủ đầu tư đã dừng triển khai nhiều năm nay. UBND TP Hà Nội đề xuất giải quyết đối với các đơn vị chậm triển khai, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Mặc dù có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trên diện tích lớn nhưng ghi nhận tại khu đô thị sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa), hàng loạt căn biệt thự đã xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường xung quanh dự án trở thành bãi tập kết rác thải sinh hoạt, xây dựng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đơn vị ở 2,3 do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư.

UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 4/2/2008, UBND TP có Quyết định số 603 thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Công ty CP Tasco (Tasco) là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Dự án Foresa Villa rộng 38ha tại Khu đô thị Xuân Phương do Tasco làm chủ đầu tư.  
Dự án Foresa Villa rộng 38ha tại Khu đô thị Xuân Phương do Tasco làm chủ đầu tư.  

Để thực hiện dự án xây dựng đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, UBND TP đối ứng 70ha đất, gồm 30ha đất tại dự án đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại đơn vị ở 3 và một phần đơn vị ở 2 Khu đô thị mới Xuân Phương (nay là dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương) cho Tasco.

Đến ngày 15/6/2016, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3105 về việc cho phép Tasco tiếp tục sử dụng 370.440m2 đất (37,4ha) tại phường Xuân Phương, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương – giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Tasco, dự án triển khai đảm bảo tiến độ được phê duyệt, trong đó giai đoạn 1 gồm 567 căn triển khai từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 gồm 246 căn còn lại triển khai từ năm 2019-2025. Dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng gồm các khu chức năng như khu cây xanh, hồ nước, các công trình nhà ở thấp tầng, công trình công cộng, đơn vị ở và công trình hạ tầng xã hội.

Thực tế hiện nay, hàng loạt căn biệt thự tại khu đô thị sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa) đã xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm, người dân có nhà ở thuộc dự án này không cải tạo, sửa chữa được, dẫn đến nhà xuống cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

UBND TP Hà Nội cho biết, “Hiện UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất giải quyết đối với các đơn vị chậm triển khai, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án”.

Ông trùm BOT

Tasco là doanh nghiệp lớn khi được mệnh danh "ông trùm BOT" với nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Doanh nghiệp hiện là chủ đầu tư các dự án BOT với các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án như quốc Lộ 10, quốc lộ 21, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, quốc lộ 10 đi Hải Phòng.

VETC - đơn vị được thành lập để triển khai dự án vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, cũng chính là công ty con của Tasco với tỷ lệ sở hữu 97,8% cổ phần VETC.

Tasco hiện là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội như Khu đô thị sinh thái Foresa Villa (38ha); Dự án South Building Pháp Vân (2.173m2); Dự án chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng (2.800m2); Khu đô thị sinh thái Mỹ Đình - Nam Từ Liêm (49ha); Dự án nhà ở cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao (13,687m2).

Đáng chú ý, vào cuối năm ngoái Tasco có sự biến động lớn khi nhóm cổ đông mới Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) trở thành cổ đông chi phối sau đợt mua cổ phần phát hành riêng lẻ. Sau đó ông lớn ngành hạ tầng cũng có cuộc “thay máu” loạt nhân sự cấp cao, sự chuyển giao vị trí Chủ tịch từ ông Phạm Quang Dũng sang ông Hồ Việt Hà.

Sau biến động nhân sự thì Tasco đã đẩy mạnh quyết tâm thoái vốn khỏi các công ty không nằm trong chiến lược phát triển như lĩnh vực xây dựng và y tế. Ngay cuối năm 2021, công ty thông báo thực hiện chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thành viên với giá trị thoái vốn tối thiểu 600 tỷ đồng.

Kết quả Kinh doanh của Tasco.  
Kết quả Kinh doanh của Tasco.  

Nhờ tinh gọn các khoản đầu tư giúp kết quả kinh doanh khởi sắc. Công ty ghi nhận mức lãi 177 tỷ đồng tại quý cuối năm ngoái, cải thiện hơn con số âm 154 tỷ cùng kỳ; đồng thời chấm dứt 6 quý lỗ liên tiếp và thoát lỗ lũy kế. Tính chung cả năm 2021, công ty báo doanh thu thuần tăng 16% lên 870 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 243 tỷ đồng.

Ngoài ra kế hoạch hợp nhất SVC Holdings, HĐQT của Tasco cũng thông qua đề án phát triển thương hiệu Tasco Land nhằm quản lý tất cả dự án bất động sản hiện hữu và hợp tác với Savico để khai thác và tối ưu các quỹ đất của các đơn vị thành viên.

Ngoài lĩnh vực truyền thống là đầu tư các dự án BOT, hồi đầu tháng 2 vừa qua, ông trùm BOT Tasco (HUT) thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% cổ phần tại Công ty TNHH SVC Holdings (chủ sở hữu Savico - Công ty bất động sản và phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam). Đây là thương vụ đầu tư đáng chú ý khi SVC Holdings cũng là một trong những đại gia trong lĩnh vực phân phối ô tô khi bán ra 1/10 lượng ô tô tại Việt Nam.

Sau khi thâu tóm đại gia hàng đầu trong lĩnh vực phân phối ô tô, HĐQT HUT cũng thông qua chủ trương thành lập công ty con - Công ty TNHH Tasco Land, do Tasco sở hữu 100% vốn điều lệ. Trong đó, Tasco Land sẽ tập trung phát triển mảng bất động sản cao cấp.

Đồng thời, Tasco cũng thông qua chủ trương đầu tư vào Công ty CP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) thông qua Tasco Land để tạo nền tảng thương hiệu, vận hành và triết lý phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống