Vay nợ chiếm gần 130% vốn chủ sở hữu nhưng vẫn nuôi tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản, ‘ông trùm’ BOT Tasco đang toan tính điều gì?

Với việc thành lập công ty TNHH Tasco Land – do Tasco sở hữu 100% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Tasco (Mã CK: HUT) thể hiện tham vọng lớn về việc mở rộng mảng kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất chính là tình hình tài chính đáng báo động của doanh nghiệp được biết đến là ‘ông trùm’ BOT.

Tasco thành lập Tasco Land, đầu tư vào Ninh Vân Bay

HĐQT Tasco vừa thông qua chủ trương thành lập công ty TNHH Tasco Land – Công ty con do CTCP Tasco sở hữu 100% vốn điều lệ. Đồng thời, chủ trương Tasco Land đầu tư vào CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (Mã CK: NVT) cũng đã được thông qua.

Có thể thấy việc ra mắt Tasco Land và đầu tư vào Ninh Vân Bay phần nào thể hiện tham vọng lớn của ‘ông trùm’ BOT Tasco đối với lĩnh vực bất động sản.

Ninh Vân Bay vẫn được biết đến với các dự án nghỉ dưỡng như Six Senses Ninh Vân Bay, Six Senses Sai Gon River, Emralda Ninh Bình, Lạc Việt New Tourist City, Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa,…

Trong đó, Six Senses Ninh Vân Bay do CTCP Du lịch Hồng Hải – công ty con của Ninh Vân Bay – làm chủ đầu tư. Dự án có 55 ha đất thuê ngoài đảo và 95 ha mặt nước biển tại khu vực Bãi Lớn, Bãi Nhỏ (xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, cách TP Nha Trang 8 km).

Còn Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa từng được quản lý và vận hành bởi Six Senses, với cụm 23 biệt thự riêng biệt, bao gồm khu tiện ích phụ trợ trên quy mô đất 7 ha, nằm bên đồi thông tại vị trí trung tâm TP Đà Lạt.

Tasco thông qua chủ trương thành lập Tasco Land và đầu tư vào Ninh Vân Bay.  
Tasco thông qua chủ trương thành lập Tasco Land và đầu tư vào Ninh Vân Bay.  

Trước đó trong tháng 2/2022, Tasco cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings.

Được biết, SVC Holdings có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; buôn bán ôtô và xe có động cơ khác…

Thông qua công ty con là Savico, SVC Holdings sở hữu và tham gia đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng, dự án du lịch tại những thành phố lớn. Một trong số đó có thể kể đến trung tâm Savico Megamall tại Hà Nội (4,6 ha); trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng (4.739 m2); trung tâm Thương Mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha); dự án Mercure Sơn Trà (5,76 ha); một số toà nhà văn phòng tại Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng…

Vay nợ đáng báo động của Tasco

Mặc dù thể hiện tham vọng lớn với lĩnh vực bất động sản tuy nhiên tình hình vay nợ thể hiện trong báo cáo tài chính của Tasco lại rất lớn.

Cụ thể, theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý I/2022 của Tasco cho thấy, doanh thu thuần quý I/2022 của doanh nghiệp đạt 240 tỷ đồng (gần như đi ngang so với cùng kỳ). Nhờ giá vốn giảm nhẹ đã giúp lãi gộp tăng 9%, đạt hơn 99 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt lên hơn 126 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 2 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, “ông trùm BOT” báo lãi ròng hơn 89 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 23 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính quý I/2022 của Tasco.  
Một số chỉ tiêu tài chính quý I/2022 của Tasco.  

Tại thời điểm 31/03/2022, quy mô tổng tài sản của HUT ghi nhận gần 10.857 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh lên 299 tỷ đồng, gấp 4 lần, do đầu tư gần 176 tỷ đồng vào Công ty TNHH T’HOSPITAL (đầu năm không ghi nhận khoản này). Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 5%, xuống còn 1.334 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm này là 3.943 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tasco ghi nhận khoản phải trả thời điểm này là hơn 6.913 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (tuy nhiên vẫn chiếm 175% vốn chủ sở hữu). Trong đó, chủ yếu là khoản vay dài hạn chiếm 72% tổng nợ với giá trị gần 5.009 tỷ đồng trong khi dư nợ vay ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 85 tỷ đồng.

Có thể thấy tổng khoản vay nợ của Tasco tại thời điểm này là 5.094 tỷ đồng (bằng 129,1% vốn chủ sở hữu và bằng 46,9% tổng nguồn vốn).

Tình hình vay nợ của CTCP Tasco tại BCTC quý I/2022.  
Tình hình vay nợ của CTCP Tasco tại BCTC quý I/2022.  

Ngoài ra, dòng tiền của Tasco cũng đáng lưu ý khi lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của công ty âm 144,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền trả nợ gốc vay là âm 181,6 tỷ đồng, còn lại là tiền thu từ đi vay ghi nhận dương 36,8 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính của Tasco ghi nhận âm 144,8 tỷ đồng.  
Dòng tiền từ hoạt động tài chính của Tasco ghi nhận âm 144,8 tỷ đồng.  

Tasco thì vẫn luôn được biết đến là ‘ông trùm’ BOT với nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội như Khu đô thị sinh thái Foresa Villa (38 ha); South Building Pháp Vân (2.173 m2); Chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng (2.800 m2); Khu đô thị sinh thái Mỹ Đình – Nam Từ Liêm (49 ha); Nhà ở cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao (13.687 m2),…

Dự án Khu đô thị sinh thái Foresa Villa.  
Dự án Khu đô thị sinh thái Foresa Villa.  

Ở một diễn biến mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Tasco với số tiền 60 triệu đồng về việc không công bố báo cáo sử dụng vốn từ đợt phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu.

Theo đó, UBCKNN cho biết Tasco đã không công bố loạt thông tin về báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận.

Cụ thể, trong năm 2017, Tasco đã thực hiện chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá bán 10.500 đồng/cp, tăng vốn điều lệ từ 1.904 tỷ lên 2.404 tỷ đồng.

Quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với Tasco về việc không công bố thông tin về báo cáo sử dụng vốn từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ.  
Quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với Tasco về việc không công bố thông tin về báo cáo sử dụng vốn từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ.  

Theo phương án 525 tỷ thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng gồm: 100 tỷ cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; 300 tỷ cho dự án đơn vị ở số 1, Xuân Phương (Foresa Mỹ Đình), còn lại là bổ sung nguồn vốn lưu động.

Tuy nhiên, đến ngày 10/12/2021, Tasco không công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2017 được kiểm toán xác nhận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2017 tại các báo cáo tài chính năm đã kiểm toán.

Ngày 29/4 năm nay, Tasco đã thực hiện công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2017 được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Được biết, trong năm 2022 Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu 11.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng; đồng thời tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển