Hà Nội: Thị trường căn hộ dịch vụ vẫn có triển vọng trong năm 2021
Thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội vẫn tiềm năng trong năm 2021 khi giá thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy dần cải thiện sau thời gian dài trầm lắng bởi tác động của dịch Covid-19.
Năm 2020 vừa qua thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê tại Hà Nội có giảm hiệu suất sử dụng so với năm trước. Song thị trường này vẫn thu hút đầu tư mạnh để hình thành nhiều tòa nhà căn hộ cho thuê. Đây là động thái nhằm đón lượng khách thuê kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới nhờ đầu tư nước ngoài tăng kéo theo lượng chuyên gia nước ngoài đến công tác nhiều hơn.
Các nhà đầu tư nhìn nhận khi dịch Covid-19 qua đi, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ phát triển mạnh nhờ Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các nước lân cận sang Việt Na, trong đó có các tỉnh thành lân cận Hà Nội, ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ tăng theo.
Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2020 của Colliers International Vietnam cho thấy, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang dần phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Cụ thể, đối với các tòa hạng A, giá thuê trung bình tăng khoảng 4 USD lên gần 39 USD/m2/tháng, với tòa hạng B, giá thuê tăng 5 USD lên gần 27 USD/m2/tháng. Một số dự án hạng A có giá thuê cao hơn nhiều so với mức trung bình như Sofitel Plaza (hơn 102 USD/m2/tháng); Somerset West Point (hơn 66 USD/m2/tháng).
Năm 2021, Colliers dự báo giá thuê trung bình tăng lên khoảng 43 USD/m2/tháng đối với các căn hộ hạng A và 29 USD/m2/tháng đối với căn hộ hạng B. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy được ghi nhận giảm trong quý IV/2020 do dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7 năm ngoái. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy của tòa hạng A giảm xuống còn 70% so với 95% của quý trước trong khi của tòa hạng B giảm xuống còn 54% so với 88% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 6 dự án mới, tung ra thị trường khoảng 700 sản phẩm. Trong đó, dự án The Five Residences tại Ba Đình sẽ cung cấp 122 căn trong năm 2021. Colliers International Vietnam nhận định phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội vẫn là thị trường tiềm năng. Nhu cầu quý I/2021 được đánh giá giữ ở mức ổn định tương tự quý IV/2020 do doanh nghiệp giảm thuê trong dịp Tết Nguyên đán. Khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Thêm vào đó, những hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA, UKVFTA hay RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực cũng sẽ khuyến khích các nhà bán lẻ ngoại gia nhập thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy nhu cầu thuê của các khách hàng nước ngoài.
Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: “Trong thời kỳ dịch Covid-19, quý cuối cùng của năm 2020 thị trường Hà Nội vẫn có thêm bốn dự án căn hộ dịch vụ được đưa vào hoạt động. Trong đó có một dự án hạng A, hai dự án hạng B và một dự án hạng C.”
Nhờ có thêm các dự án mới, nguồn cung cho thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đạt kỷ lục 5.380 căn trong năm 2020, tăng 16% so với năm 2019. Trong bốn dự án mới vào thị trường, một dự án có quy mô lớn nằm tại Gia Lâm, mở ra khu vực phát triển mới cho thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội. Còn ba dự án còn lại tọa lại tại các quận trung tâm của thủ đô.
Trong quý vừa qua, giá thuê trung bình căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đạt 25 USD/m2/tháng, giảm 2% so với quý III/2020 và mức giá cho thuê của năm 2020 giảm 5% so với 2019.
Căn hộ dịch vụ được đầu tư phát triển theo làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào Hà Nội và các tỉnh lân cận và phục vụ nhu cầu cho thuê của lao động cấp cao, chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Theo bà Hằng, lượng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Hà Nội trong năm 2020 đạt xấp xỉ 712 triệu USD, tương đương 52% lượng đầu tư trong năm 2019. Singapore và Đài Loan mới vươn lên và trở thành hai nước đầu tư lớn nhất, đóng góp 97% dòng FDI vào Hà Nội. Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các công ty châu Á tiếp tục được kỳ vọng là nguồn khách thuê căn hộ dịch vụ chủ lực của Hà Nội.
Do mức lương trung bình dần tăng lên và chính sách ưu đãi dành cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động bị xóa bỏ tại Trung Quốc, Việt Nam có tiềm năng trở thành “công xưởng sản suất của thế giới”. Trong năm 2020, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo dẫn đầu với 48% nguồn FDI đầu tư cả nước. Các tỉnh miền Bắc chiếm 60% lượng đăng ký mới của ngành này.
Trong tương lai Hà Nội có 16 dự án căn hộ dịch vụ cung cấp 2.186 căn hộ. Do các nguồn lực phát triển có hạn và các đơn vị quản lý nội địa còn ít kinh nghiệm, xu hướng hợp tác giữa những chủ đầu tư trong nước và đơn vị vận hành có thương hiệu đang gia tăng. Ngoài ra, 6 đơn vị quản lý quốc tế dự kiến sẽ quản lý 89% tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai tại Hà Nội.