HAG, DXS, HPG lọt nhóm giảm điểm mạnh nhất, rớt trên 13% chỉ trong 1 tuần

Mặc dù chỉ số VN-Index chỉ giảm 3,65% trong tuần qua nhưng nhiều cổ phiếu giảm tới trên 13%, trong đó có những cái tên đáng chú ý như HAG, DXS, HPG.

HPG

Chốt phiên 21/10, thị trường chứng kiến hàng trăm mã chứng khoán rớt hết biên độ về giá sàn, chỉ số VN-Index giảm hơn 38 điểm (tương đương 3,65%), khiến Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 42,03 điểm (giảm tương đương 3,96%), HNX-Index giảm 10,48 điểm (giảm 4,6%). Trong đó, nhiều cổ phiếu giảm tới trên 10%, trong đó có những cái tên đáng chú ý như HAG, HPG

TNC giảm 18,37%

Cổ phiếu TNC của Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất đã giảm 18,37% trong tuần thứ ba của tháng 10 từ 68.600 đồng/cổ phiếu mở phiên 17/10/2022 xuống 56.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/10/2022.

Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC), tiền thân là Công Ty Cao su Thống Nhất, được thành lập từ năm 1991. Năm 2005, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần. Lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là trồng mới, khai thác và chế biến cao su, sơ chế gỗ cao su. Tổng diện tích vườn cây cao su Công ty đang quản lý là 1.920,12ha tại Đội cao su Phong Phú và nông trường cao su Hòa Bình 2. Trong đó: Diện tích cao su khai thác 948,19ha; diện tích vườn cây cao su kiến thiết cơ bản 797,67ha.

Công ty hiện có 1 nhà máy chế biến cao su sản phẩm mủ tờ RSS có công suất 1.000 tấn/năm và 1 Nhà máy mủ cốm SVR công suất 2.500 tấn/năm. Ngày 22/08/2007, TNC chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu TNC giảm mạnh có thể kể đến việc giá cao su thế giới đã điều chỉnh suốt thời gian qua, đặc biệt là trong quý III.

Theo dữ liệu từ trang Trading Economics, giá cao su thế giới bắt đầu điều chỉnh sau khi lập đỉnh vào ngày 23/2/2022. Cụ thể, sau khi điều chỉnh từ đỉnh 185 USD Cents/kg xuống 165 USD Cents/kg vào cuối tháng 6, giá cao su bỗng lao dốc mạnh và tạo đáy trong ngày 6/9 với 130 USD Cents/kg, tương ứng giảm hơn 21% trong 2 tháng. Đến nay, giá cao su thế giới vẫn đang tích lũy trong vùng quanh 134 USD Cents/kg và chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng.

Theo SSI Research, giá xuất khẩu cao su tự nhiên trong nửa đầu năm 2022 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, bất chấp nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại và giá dầu cao hơn. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu từ Trung Quốc vẫn ở mức thấp khi quốc gia này vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.

Trong thời gian tới, SSI Research dự báo giá cao su tự nhiên sẽ dần được cải thiện trong bối cảnh Trung Quốc dần dần khôi phục ngành công nghiệp sản xuất lốp xe sau khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý giá cao su sẽ chỉ tăng ở mức thấp một con số trong phần còn lại của năm 2022 và năm 2023 do giá dầu được dự báo sẽ giảm.

HAG giảm 15,42%

Cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã giảm 15,42% trong tuần thứ ba của tháng 10 từ 10.050 đồng/cổ phiếu mở phiên 17/10/2022 xuống 8.500 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/10/2022.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thành lập vào năm 1993, năm 2006 chuyển sang hoạt động động theo mô hình cổ phần. Công ty hoạt động trong lĩnh vực trồng và kinh doanh cao su, cọ dầu và các loại cây ăn quả; phát triển căn hộ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng để bán và cho thuê; xây dựng và kinh doanh thủy điện; cơ khí; sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc, phân bón; chăn nuôi và kinh doanh bò thịt và bò sữa; kinh doanh kho bãi, sơ chế nông phẩm và dịch vụ nông nghiệp; kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng; và các hoạt động về thể thao và giải trí. Từ năm 2016, HAG đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh khẳng định lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là ngành trồng trọt và chăn nuôi.

Luỹ kế 9 tháng, Công ty ghi nhận sản lượng tiêu thụ 168.626 con heo thịt, 202.150 tấn chuối (xuất khẩu được 127.866 tấn và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi 74.284 tấn).

Kết quả, doanh thu đạt 3.183 tỷ đồng, bao gồm 981 tỷ đồng từ chăn nuôi và 1.707 tỷ đồng cây ăn trái, ngành phụ trợ đóng góp 495 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm theo đó đạt 894 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch cả năm 2022.

Đáng chú ý, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM gần đây đã có thông báo chuyển cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 11/10/2022. Lý do là lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 203,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2021 là -4.467,1 tỷ đồng, thuộc diện bị cảnh báo.

Bên cạnh đó, HĐQT HAGL vừa thông qua Nghị quyết thông qua việc sử dụng 25,05 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang thuộc sở hữu của HAGL để cam kết bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Gia súc Lơ Pang phát sinh từ khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

DPG giảm 13,89%

Với làn sóng giảm mạnh của cổ phiếu ngành bất động sản thì cổ phiếu DPG cũng không ngoại lệ.

Cổ phiếu DPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đã giảm 13,89% trong tuần thứ ba của tháng 10 từ 32.400 đồng/cổ phiếu mở phiên 17/10/2022 xuống 27.900 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/10/2022.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (DPG) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương, được thành lập vào năm 2002. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây lắp các công trình giao thông và thủy điện. Bên cạnh đó, DPG còn tham gia kinh doanh bán điện, vật liệu xây dựng và cho thuê máy móc thiết bị ngành xây dựng. DPG đã thi công nhiều dự án quy mô lớn như Cầu An Nghĩa, Cầu Thủ Thiêm, Cầu Đò Lèn, Cầu Bến Thủy II, Cầu Cửa Đại. DPG đã hoàn thành việc đầu tư và thi công xây lắp Nhà máy Thủy điện Sông Bung 6 với tổng công suất 30MW vào năm 2010. DPG đang thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy điện Sơn Trà 1 với công suất 60MW.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Đạt Phương ghi nhận doanh thu đạt 1.344,4 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 284,03 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 11,2% so với cùng kỳ lên 466,02 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 140% lên 20,35 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng nhẹ 3,5% lên 85,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 7,7% lên 83,36 tỷ đồng.

DXS giảm 13,84%

Cổ phiếu DXS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh đã giảm 13,84% trong tuần thứ ba của tháng 10 từ 10.910 đồng/cổ phiếu mở phiên 17/10/2022 xuống 9.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/10/2022.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) được thành lập 21/07/2011. Công ty là đơn vị nắm giữ mảng dịch vụ bất động sản của Tập đoàn Đất Xanh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Đất Xanh Services thu về 2.177 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn, chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng tăng mạnh khiến lãi sau thuế giảm 27,3%, ghi nhận 474,7 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân kết quả kinh doanh đi xuống là do chi phí hoạt động tăng cao khi doanh nghiệp mở rộng quy mô, thành lập thêm một số công ty con và ảnh hưởng của thị trường bất động sản đến kế hoạch triển khai bán hàng của doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE ngày 3/10 giải trình việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tục, lãnh đạo DXS cho biết, giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động trong chính sách liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh.

HPG giảm 13,11%

Cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát đã giảm 13,11% trong tuần thứ ba của tháng 10 từ 19.450 đồng/cổ phiếu mở phiên 17/10/2022 xuống 16.900 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/10/2022.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HPG) là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đa ngành hàng đầu tại Việt Nam. Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, hiện tại Tập đoàn Hòa Phát hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực gang thép, sản phẩm thép, điện máy gia dụng, nông nghiệp và bất động sản. Trong đó, lĩnh vực thép đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn với việc đóng góp hơn 90% doanh thu và lợi nhuận. HPG hiện là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần lần lượt là 36,4% và 29,07% (tháng 7/2022), là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG lần lượt đạt 82.118 tỷ đồng và 12.229 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 23% và giảm 27% so với cùng kỳ, hoàn thành khoảng 46% kế hoạch cả năm.

Thép vẫn là ngành sản xuất chủ chốt của Tập đoàn Hoà Phát, đóng góp 95% vào doanh thu và 98% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Thế nhưng thời gian qua, giá thép toàn cầu giảm mạnh từ giữa quý II/2022 do lạm phát tại Mỹ và Châu Âu cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Hòa Phát bị thu hẹp.

Trong nước, nhu cầu thép cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung, đặc biệt là HRC.

Theo nhận định của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát có thể tiếp tục giảm so với cùng kỳ và chạm đáy trong các quý tới. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và việc kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Sản lượng tiêu thụ HRC cũng sẽ gặp thách thức do các nhà sản xuất tôn mạ đang giảm số dư hàng tồn kho trong bối cảnh giá giảm và nhu cầu chậm lại ở cả kênh nội địa và xuất khẩu.

Thanh Long

Theo VietnamFinance