Hai nhà đầu tư ngoại sẽ “thế chân” ông Lê Viết Hải tại Hòa Bình?
Việc bán 252 triệu cổ phiếu riêng lẻ và hoán đổi nợ khiến tỷ lệ sở hữu của ông Lê Viết Hải tại Hòa Bình giảm mạnh từ 17,14% xuống còn 8,92%.
Hiện nay, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) có vốn điều lệ 2.741 tỷ đồng, tương đương 274.133.270 cổ phiếu đang lưu hành. Cổ đông lớn nhất là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT sở hữu 46.987.699 cổ phiếu, tỷ lệ 17,14% và Hyundai Elevator Co., Ltd sở hữu 28.060.750 cổ phiếu, tỷ lệ 10,24%.
Năm 2022 là cơn ác mộng của ngành xây dựng nói chung và Hòa Bình nói riêng. Hòa Bình đã báo lỗ sau thuế của công ty mẹ là 2.567 tỷ đồng trong năm vừa qua và tiếp tục báo lỗ 711 tỷ đồng trong 9 tháng 2023.
Như vậy, 7 quý vừa qua, Hòa Bình ghi nhận lỗ 3.278 tỷ đồng đã xóa đi tổng lợi nhuận của 12 năm trước đó (từ 2010 đến 2021, Hòa Bình có tổng lợi nhuận là 3.263 tỷ đồng).
Đứng trước những khó khăn chưa từng gặp phải trong 35 năm hình thành và phát triển, Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn để có nguồn tiền trả nợ, giảm áp lực tài chính.
Triển khai chi tiết phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 thông qua, Hòa Bình sẽ phát hành riêng lẻ 252.484.528 cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ tăng 92,1%. Thời gian chào bán thực hiện trong quý 4/2023-1/2024 và sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi phát hành.
Các nhà đầu tư mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ phải thỏa mãn một số tiêu chí sau: có khả năng về tài chính; hỗ trợ công ty trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; tham gia, tham vấn công tác quản trị điều hành doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển của công ty.
Hòa Bình đã chọn được Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd mua 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company mua 120 triệu cổ phiếu. Sau khi chào bán thành công, hai nhà đầu trên dự kiến sở hữu lần lượt 18,99% và 22,79% vốn điều lệ của Hòa Bình.
Hòa Bình dự kiến giá phát hành riêng lẻ là 12.000-14.500 đồng/cổ phiếu, thu về 2.640-3.190 tỷ đồng. Phương án sử dụng vốn của công ty là trả gốc và lãi 1.754 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 998 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); 158 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB); 136 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB); 95 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); 49 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Về phát hành 32.484.528 cổ phiếu để hoán đổi nợ, trước đây, công ty dự kiến phát hành 54 triệu cổ phiếu nhưng từ đó đến nay một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ, hoặc công ty đã thanh toán nợ nên số lượng phát hành để hoán đổi nợ giảm.
Liệu hai nhà đầu tư ngoại có thay đổi ý định vào phút cuối vẫn là ẩn số bởi vì giá phát hành cao hơn thị giá cổ phiếu HBC của Hòa Bình trên thị trường chứng khoán 1,44-1,75 lần. Đồng thời, liệu đủ tiềm lực tài chính cho các giao dịch đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ đồng không?
Cụ thể, Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company có tên tiếng Việt là CTCP Đầu tư và Phát triển Primetech mới được thành lập vào 11/5/2023. Công ty có trụ sở tại 35 đường số 58-AP, khu dân cư Văn Minh, P. An Phú, Thủ Đức, TP.HCM với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Dũng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực bán buôn kim loại và quặng kim loại.
Vốn điều lệ ban đầu của Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company là 89 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: bà Văn Thị Thành Nhàn (tỷ lệ sở hữu 9%), ông Lê Lộc Quang (40%) và ông Nguyễn Hoàng Dũng (51%). Đến 11/9/2023, công ty này thay đổi thông tin và xuất hiện bà Nguyen Thi Thanh Diem (quốc tịch Australia) sở hữu 9% vốn điều lệ.
Còn Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd có trụ sở tại Mwale của Kenya, châu Phi.
Nếu chào bán riêng lẻ thành công, vốn điều lệ của Hòa Bình tăng từ 2.741 tỷ đồng lên 5.266 tỷ đồng. Cổ đông lớn là Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company (tỷ lệ sở hữu 22,79%), Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd (18,99%), ông Lê Viết Hải (8,92%) và Huyndai Elevator Co., Ltd (5,33%).
Như vậy, hai nhà đầu tư mới chiếm đến 41,78% vốn điều lệ của Hòa Bình. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Viết Hải giảm mạnh từ 17,14% xuống còn 8,92%. Với những tỷ lệ sở như trên, liệu ông Lê Viết Hải có bị mất quyền “kiểm soát” Hòa Bình trong thời gian sắp tới?