Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Đường về còn xa

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đang gánh khoản lỗ lũy kế tới 2.813 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn hết sức khó khăn cộng thêm việc trượt gói thầu 5.10 sân bay Long Thành, đường về cho HBC trở nên mông lung hơn bao giờ hết.

Khi cọc gỗ hóa rễ bèo

Cuối năm 2022, trong một cuộc trao đổi với Đầu tư Tài chính, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải đã chia sẻ rằng, trong 9 tháng năm 2022, hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn cơ bản được đảm bảo, duy chỉ quý IV/2022 gặp khó khăn do nhiều công trình bị dừng hoạt động. Khi ấy, giới đầu tư có lẽ chưa thể hình dung hết hai chữ “khó khăn” mà ông Hải nói có mức độ như thế nào. Chỉ tới khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 được công bố, tất cả mới “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”: HBC lỗ sau thuế 1.200 tỷ đồng, khiến cả năm lỗ 1.140 tỷ đồng. Sau kiểm toán, số lỗ sau thuế cả năm 2022 lên tới 2.570 tỷ đồng! Số lỗ này thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận sau thuế trong 4 năm đỉnh cao của HBC (2016 – 2019: 2.453 tỷ đồng) và khiến HBC chịu khoản lỗ lũy kế lên tới 2.100 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, vận xui tiếp tục đeo bám HBC khi quý I lỗ sau thuế 445 tỷ đồng. Quý II tưởng chừng như nhen nhóm lên hi vọng khi báo cáo tự lập ghi nhận lãi sau thuế 546 tỷ đồng, nhưng sau soát xét báo cáo nửa đầu năm, HBC đã lỗ sau thuế tới 713 tỷ đồng. Khoản lỗ nặng nề này đã nâng tổng lỗ lũy kế của HBC lên tới 2.813 tỷ đồng – một con số “khủng khiếp”.

Trong cơn cùng quẫn, điểm tựa hi vọng của HBC là gói thầu 5.10 sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng (cùng với các “chiến hữu” trong liên danh Hoa Lư). Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, Hoa Lư lại trượt gói thầu này. Cọc gỗ hóa rễ bèo, HBC lâm vào tình cảnh nhìn trước ngó sau đầy khổ sở.

Cho đến lúc này, giới đầu tư vẫn chưa biết HBC sẽ “sống” như thế nào trong thời gian kế tiếp, bởi 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty chỉ là 3.462 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước và mới chỉ đạt 28% kế hoạch năm. Điều tồi tệ là hoạt động kinh doanh lỗ thuần tới 709 tỷ đồng, phản ánh sự bế tắc rất lớn.

HBC từng ghi nhận lãi sau thuế 546 tỷ đồng trong báo cáo tự lập quý II/2023 (sau đó, kiểm toán đã “xóa sạch” khoản lãi này). Song, kể cả được ghi nhận, về bản chất, khoản lãi này có được nhờ vào việc bán tài sản, vật tư. Câu hỏi đặt ra là liệu HBC còn có thể bán tài sản, vật tư để có lãi được thêm bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền, nếu như biết rằng ở thời điểm khó khăn cùng cực, công ty cũng đã phải dùng chính tài sản, vật tư trong kho để “trừ nợ” cho các thầu phụ?

Lợi nhuận từ bán tài sản chưa bao giờ là một khoản lợi nhuận có chất lượng tốt và bền vững, bởi đó chỉ là hành vi tự cắt thịt mình để ăn chống đói. Công ty phải tìm kiếm lối thoát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là xây dựng. Trên thực tế, HBC những năm gần đây cũng đã nỗ lực mở rộng lĩnh vực hoạt động từ xây dựng dân dụng – thương mại sang xây dựng hạ tầng, công nghiệp.

Tuy vậy, những mảng miếng mới vẫn còn khá khiêm tốn về thị phần cũng như tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu (chưa nói tới lợi nhuận); trong khi đó mảng dân dụng – thương mại vẫn chìm đắm trong khó khăn vì khủng hoảng vẫn đang càn quét thị trường bất động sản. Mà kể cả khi thị trường bất động sản có sự phục hồi thì ngành xây dựng Việt Nam cũng đã đi qua thời kỳ vàng son trước đó. HBC hay Coteccons có lẽ sẽ không bao giờ còn được trông thấy những năm tháng doanh thu tăng trưởng bằng lần nữa.

2.813 tỷ đồng lỗ lũy kế, tương đương 5 năm lợi nhuận của thời kỳ đỉnh cao, nghĩa là HBC phải cần gấp đôi khoảng thời gian đó mới bù đắp lại được lợi nhuận với bối cảnh ngành xây dựng hiện thời. Sẽ là quá khó và quá lâu để HBC xóa lỗ bằng hoạt động kinh doanh chính, nhưng sẽ là khả thi hơn nhiều nếu như công ty thực hiện được trọn vẹn công tác thu hồi nợ.

Theo báo cáo hợp nhất quý II/2023 của HBC, các khoản phải thu đến ngày 30/6/2022 đã lên 9.433 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản; trong đó khoản phải thu đã lập hóa đơn là 5.435 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi tới 2.479 tỷ đồng, là mức dự phòng lớn nhất ngành xây dựng Việt Nam. Nếu thu hồi được trọn vẹn số công nợ hiện thời, HBC sẽ hoàn nhập 2.479 tỷ đồng dự phòng, qua đó đưa lỗ lũy kế xuống chỉ còn 334 tỷ đồng.

Nhưng vẫn phải nói rằng thu hồi nợ là chuyện “đau đầu” nhất với các nhà thầu Việt Nam nói chung, HBC nói riêng, không chỉ vì nhiều bên nợ là đối tác lớn, đối tác chiến lược mà còn vì các bên nợ đang ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán. “Nắm đứa có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu”, trong tình cảnh không có gì để trả thì kiện cáo cũng không phải là cách thức có thể giải quyết được vấn đề, dù cho HBC nổi tiếng là đơn vị “chịu khó” đi kiện và hầu như đã kiện là thắng.

Hi sinh nhiều hơn

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Đường về còn xa - Ảnh 1

Bối cảnh của HBC hiện nay đòi hỏi “người Hòa Bình” phải hi sinh nhiều hơn cho công ty. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Lê Viết Hải đã “trần tình” với cổ đông về sự hi sinh quyền lợi của ông trong những năm tháng qua cho HBC. Ví dụ, ông Hải sở hữu mảnh đất 7.000m2 tại quận 12, TP. HCM, trên đất có nhà kho, nhà xưởng và đã cho các công ty con của HBC thuê miễn phí từ năm 1993; hay như ông Hải đã thế chấp toàn bộ cổ phiếu của mình để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của HBC. Sự hi sinh cho HBC của ông Hải có lẽ sẽ còn phải kéo dài thêm nữa và có lẽ điều này cũng cần diễn ra với tất cả “người Hòa Bình”. Bởi để HBC có nguồn lực chống đỡ với những khó khăn, trước mắt, việc tăng vốn gần như là bắt buộc.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của HBC vừa qua đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu (tương đương 2.740 tỷ đồng tính theo mệnh giá) để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Chi tiết phương án phát hành đã được nêu ra tại tài liệu của đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2023 như sau: phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ 107 triệu cổ phiếu (tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức 12.000 đồng nợ hoán đổi 1 cổ phiếu); chào bán riêng lẻ đợt 1 là 120 triệu cổ phiếu (để thanh toán nợ và bổ sung vốn kinh doanh, giá 12.000 đồng/cổ phiếu); phát hành riêng lẻ đợt 2 là 47 triệu cổ phiếu (để bổ sung vốn kinh doanh, giá 12.000 đồng/cổ phiếu).

Tất nhiên, hầu như sẽ không có cổ đông nào cảm thấy “vui vẻ” khi phải bỏ thêm tiền vào công ty chỉ để trả nợ và tạo dựng vốn làm ăn trong khi hơn 2.800 tỷ đồng lỗ lũy kế vẫn đang treo trước mặt – đồng nghĩa cổ tức xa vời - nhưng nếu lúc này không chấp nhận hi sinh thì HBC rất khó có cơ hội phục hưng.

HBC đã được 35 tuổi, không nhiều công ty ở Việt Nam có được số tuổi này. Trong rất nhiều năm, HBC là đối thủ duy nhất tranh đua ngôi vị với Coteccons và đã từng là doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam về doanh thu. Công ty cũng đang có nhiều kế hoạch lớn, trong đó có cả việc “đem chuông đi đánh xứ người” gây được tiếng vang không nhỏ. Nếu một đế chế như vậy đi xuống hoặc tệ hơn là lụi tàn, đó ắt hẳn là nỗi buồn không chỉ với “người Hòa Bình” mà còn với cả ngành xây dựng Việt Nam.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance