Hai tập đoàn hàng đầu thế giới rút khỏi Việt Nam: 'Điều rất bình thường'
Theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam (WB), việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.
FDI vào Việt Nam vẫn tích cực
Mới đây, theo hãng tin Reuters, gã khổng lồ năng lượng Equinor - tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở Hà Nội.
Cũng theo Reuters, đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện phụ trách phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài.
Như vậy, tính đến hiện tại, đây là doanh nghiệp lớn thứ hai rút lui khỏi kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2023, “ông trùm” điện gió lớn nhất thế giới là tập đoàn Orsted (Đan Mạch) cũng quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chỉ sau 2 năm hợp tác.
Theo quan điểm của bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam (WB), việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.
Bất cứ nền kinh tế nào cũng có các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát để kiểm tra xem có họ có phù hợp để đầu tư vào hay không, một số doanh nghiệp sẽ ở lại còn một số sẽ không đầu tư và rút lui.
Song, điều này hết sức bình thường và không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Do đó, vị chuyên gia này khẳng định, FDI vào Việt Nam vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn.
“Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan muốn đến Việt Nam. Bằng chứng là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong các năm qua rất ổn định, kể cả trong giai đoạn COVID-19”, bà Dorsati Madani cho hay.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm nay, dòng FDI đổ vào ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 20/7, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI giải ngân tính đến ngày 20/7 cũng đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả này, bà Dorsati Madani cho rằng, đây là một trong các tín hiệu là các nhà đầu tư quốc tế coi Việt Nam là một điểm rất hứa hẹn cho đầu tư.
Tăng cường chuyển đổi xanh để thu hút FDI
Có thể thấy, như phân tích trên, trong trung hạn Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư FDI. Tuy nhiên, về dài hạn bà Dorsati Madani khuyến cáo, Việt Nam còn nhiều điều cần phải làm.
Cụ thể, nếu muốn vươn lên trong chuỗi giá trị, trở thành một nền kinh tế phát triển thì cần cải cách trong nền kinh tế, tăng cường phát triển khu vực doanh. Việt Nam cần tập trung thu hút những nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, bên cạnh đó, môi trường quốc tế trong sản xuất cũng đang thay đổi, người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh.
“Để Việt Nam có thể duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư xanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp nội địa áp dụng công nghệ xanh cho sản xuất”, bà bà Dorsati Madani khuyến nghị.
Cũng nhắc đến đầu tư xanh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng đây không chỉ là nhu cầu tự nhiên của các doanh nghiệp mà đây chính là mệnh lệnh từ thị trường, nơi điều tiết các sản phẩm.
Theo ông Tuấn, khi một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm sang châu Âu hay sang các quốc gia quan trọng khác, yêu cầu xanh, giảm phát thải là yêu cầu hàng đầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn với vấn đề này.
Ngoài ra, để tiếp tục giữ ổn định thu hút FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải liên kết chặt chẽ hơn với các chuỗi FDI tại Việt Nam cũng như tận dụng được các doanh nghiệp FDI để phát triển kinh tế trong nước.
Theo ông Hùng, một trong những thách thức hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam liên kết rất yếu với các chuỗi FDI. Nếu duy trì việc kết nối kém như vậy, lợi ích của tăng trưởng kinh tế trong nước so với nguồn đầu tư FDI sẽ bị hạn chế.
“Do đó, phải tận dụng sự có mặt của họ để phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước. Theo đó, làm sao để họ mua hàng, chuyển giao công nghệ nhiều hơn, đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi FDI”, ông Hùng nói.