Hai tiệm vàng giúp Nhật Cường chuyển ngàn tỷ bằng cách nào?

Theo chuyên gia, việc chuyển số tiền lớn ra nước ngoài phải có một đường dây, phải thành lập doanh nghiệp giả, mua bán chứng từ xuất nhập khẩu...

Trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về vụ án liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), theo lời khai của bị can Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc tài chính Nhật Cường và dữ liệu điện tử bí mật của công ty này, Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng để chuyển hàng ngàn tỷ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và tiền công vận chuyển.

Trong quá trình điều tra, hai chủ cửa hàng nêu trên khai tài khoản có nhận tiền Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, hai chủ cửa hàng chỉ khai nhận việc chuyển tiền cho Công ty Nhật Cường để chuyển tiền cho khách hàng trong nước (không nhớ rõ đơn vị, cá nhân nào), không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Về việc này, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thu thập được tài liệu phản ánh việc các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài. Bùi Quang Huy là đối tượng trực tiếp liên hệ, thuê hai chủ cửa hàng trên chuyển tiền ra nước ngoài, đang bỏ trốn, chưa truy bắt được. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục điều tra và xử lý sau.

Hai tiệm vàng giúp Nhật Cường chuyển ngàn tỷ bằng cách nào? - Ảnh 1
Theo lời khai của giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, công ty này chuyển hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài qua 2 tiệm vàng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc hai tiệm vàng có thực sự chuyển tiền ra nước ngoài giúp Công ty Nhật Cường hay không, chuyển như thế nào... sẽ được cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ. Tuy nhiên, nhận định chung về việc chuyển tiền "chui" ra nước ngoài, vị chuyên gia cho rằng từ trước đến nay hoạt động này vẫn tồn tại và được thực hiện dưới nhiều phương thức.

Theo đó, khi muốn chuyển tiền "chui" ra nước ngoài, đòi hỏi đầu tiên là phải có tài khoản ở nước ngoài và có kinh doanh, buôn bán ở nước ngoài. Người ở trong nước sẽ móc nối với người ở nước ngoài để thực hiện việc chuyển tiền.

Nếu số tiền chuyển "chui" ra nước ngoài ít, chừng vài chục ngàn USD, thủ tục rất đơn giản. Chẳng hạn, người A chuyển cho người B một số tiền VND nhất định, người B sẽ báo cho người C cùng nằm trong đường dây đang ở nước ngoài. Người C chuyển cho người D số tiền tương đương bằng ngoại tệ tại nước ngoài. Với cách này, cơ quan chức năng khó kiểm soát được. Trong trường hợp này, ngoại tệ không ra khỏi Việt Nam. Các đối tượng ở nước ngoài dùng ngoại tệ chuyển cho nhau, còn hai người Việt Nam giao dịch bằng tiền đồng.

Trong trường hợp số tiền chuyển "chui" ra nước ngoài lên tới hàng ngàn tỷ đồng, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, phải có một đường dây, các bên liên kết với nhau để khi kiểm tra không bị bắt bẻ. Các đối tượng thường phải thành lập công ty "ma" chuyên về xuất nhập khẩu để từ đó tiến hành mua bán các hợp đồng, hóa đơn thương mại xuất nhập khẩu.

"Họ làm giống như một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự, thế nhưng hàng hóa chủ yếu là tượng trưng, không có giá trị, trong khi mục đích chính là chuyển tiền.  

Thực ra có thể lần được đường đi của số tiền vào tiền khoản, nhưng điều này không đơn giản vì nó có cả đường dây. Chẳng hạn, khi nhập khẩu về, xuất tiền ra mà hàng hóa không về là có vấn đề, nhưng vì các bên đã "ăn cánh" với nhau thì việc kiểm tra không có nhiều ý nghĩa.

Hay khi xuất khẩu để thu ngoại tệ về, cũng có chuyện người  ta mua ngoại tệ ở bên ngoài rồi giữ ngoại tệ đó trên tài khoản nước ngoài, không chuyển về Việt Nam", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, phương thức chuyển tiền "chui" ra sao, các cơ quan chức năng đương nhiên nắm rõ. Vấn đề là phải nâng cao trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của các ngân hàng và cơ quan liên quan đối với các hóa đơn chứng từ, kiểm tra cả hàng đi hàng về.

"Thực tế, phải có hợp đồng mua bán hàng hóa thì mới cho ứng tiền, chuyển hóa tiền từ VND ra ngoại tệ, các hợp đồng đó phải có các bên ký và sau phải có hóa đơn thanh toán. Nhưng nếu không kiểm tra, kiểm soát hoặc cố tình không làm thì rất khó biết được.

Còn theo nguyên tắc, quản lý ngoại tệ của Việt Nam rất chặt,  muốn mua ngoại tệ để ứng ra cho khách hàng hay bán được hàng chuyển tiền như thế nào, kết nối ra sao... đều có quy định.

Ngày 12/1/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc nhiều cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer,... hiện vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng đang trở thành công cụ đắc lực cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp, rửa tiền, trốn tránh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Nhà nước.

Trao đổi với báo Lao động, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay, phía Bộ đã nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc kiểm tra vấn đề báo nêu, nghiên cứu sớm có biện pháp quản lý tình trạng giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế hoạt động trái pháp luật.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, việc các đối tượng thanh toán qua các cổng thanh toán quốc tế nhằm trốn thuế… ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tiền tệ, sự hoạt động lành mạnh của tài chính ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, việc chuyển tiền qua cổng thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ còn ảnh hưởng đến việc quản lý dòng ngoại hối của Việt Nam.

Tướng Hà cho biết, qua các vụ án Cục Cảnh sát hình sự điều tra như đánh bạc trên mạng Internet, có máy chủ đặt tại nước ngoài có dấu hiệu rõ việc thanh toán, chuyển khoản hoặc có những đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chúng chuyển qua hệ thống thanh toán quốc tế, Internet Banking… rồi các đối tượng này rút tiền ở nước ngoài.

Ông Hà nhấn mạnh hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của thanh toán điện tử, còn gây thiệt hại kinh tế; ngoài ảnh hưởng đến an ninh kinh tế còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Về biện pháp đấu tranh, ngăn chặn với hành vi trên, theo ông Hà, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng cần siết chặt các quy định về thanh toán quốc tế.

 

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt