Hạn chế tối đa dùng dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, những biến động trên thị trường thế giới và trong nước sẽ khó lường hơn. Cần hạn chế tối đa dùng đến dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá.
Chia sẻ tại “Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023”, ngày 8/8, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, những diễn biến khó lường của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và các quốc gia không giàu tài nguyên dầu mỏ đang khiến cho việc điều hành chính sách, ổn định tỷ giá được quan tâm hàng đầu.
Nhiều quốc gia vẫn còn “dè dặt” trong việc giảm dần các biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu do nguy cơ lạm phát rất lớn.
Tình hình kinh tế Mỹ có vẻ “dễ thở” hơn nhờ thị trường việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đặc biệt là Mỹ được hưởng lợi từ khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu thông qua việc bán khí đốt, dầu mỏ, các nguyên liệu từ dầu mỏ.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tiếp tục giảm và tình hình đơn hàng xuất khẩu chưa được cải thiện, ngay cả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, khả năng phục hồi kinh tế diễn ra chậm, chưa kể những tác động bất lợi từ thị trường tài chính và thị trường bất động sản có thể tiếp tục kéo dài.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những biến động trên thị trường khó lường nên cần hạn chế tối đa dùng đến dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá.
“Trong bối cảnh này, tỷ giá hối đoái chịu nhiều lực tác động nhiều chiều. Chính phủ cần phải có những hành động phù hợp, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, dựa trên việc đánh giá các diễn biến trên thị trường”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Ví dụ, một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 tới.
“Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy”, ông Nghĩa nói.
Một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải “dè chừng” biến động tỷ giá.
Có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Đó là chỉ số đo lường giá trị của USD (USD Index) đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD Index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu gây áp lực với tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Cùng với đó là cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định.
Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ.
“Theo tôi, thặng dư thương mại có thể suy giảm do xuất khẩu đi xuống với tốc độ nhanh hơn nhập khẩu, trong đó có yếu tố cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc ra thị trường thế giới so với hàng hoá của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam mở rộng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam - Trung Quốc sẽ ngày càng nới rộng, ít nhất là từ nay đến năm 2024”, ông Nghĩa dự báo.
Về cán cân tài chính, ông Nghĩa cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có xu hướng giảm, khiến cho cán cân tài chính trong cán cân thanh toán quốc tế tổng thể suy giảm.
Nếu Việt Nam không kiểm soát tốt dòng chảy ngoại tệ ra bên ngoài thì cán cân thanh toán tổng thể có thể bị thâm hụt. Trong trường hợp đó, tác động tiêu cực của cán cân thanh toán tổng thể đến tỷ giá hối đoái sẽ khá lớn và rất khó khắc phục.
“Nhìn tổng thể, những biến động trên thị trường thế giới và trong nước sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khó lường hơn.
Vì vậy, chính sách tỷ giá hối đoái cần linh hoạt và thích ứng, hạn chế tối đa dùng đến dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, bởi sự suy giảm của dự trữ ngoại hối có thể ảnh hưởng đến uy tín thanh toán quốc tế của Việt Nam”, ông Nghĩa khuyến nghị.