Hàng tỷ đô vốn FDI chảy vào bất động sản
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ kế hoạch đầu tư cho hay, vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 ghi nhận đạt 4,45 tỷ USD, tăng thêm 1,85 tỷ USD so với năm 2021.
Tính đến ngày 20/12/2022, tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, số lượng dự án đầu tư mới lại gia tăng. Ngoài ra, vốn FDI điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn FDI đã giải ngân ghi nhận đạt khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn này được đổ vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, vốn FDI rót vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo “đứng đầu bảng” với giá trị đầu tư đạt 16,8 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn FDI đăng ký. Xếp ngay sau là ngành kinh doanh bất động sản với giá trị vốn đầu đạt 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Giá trị đầu tư vào các ngành sản xuất, phân phối điện và khoa học công nghệ lần lượt đạt khoảng 2,26 tỷ USD và gần 1,3 tỷ USD.
Bất chấp vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm so với năm 2021, dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản lại ghi nhận tăng mạnh. Cụ thể, dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tương đương tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số thương vụ đình đám trong năm 2022 có thể kể ra như, CapitaLand - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á của Singapore - bạo chi hơn 716 triệu USD để thâu tóm quỹ đất rộng 8 ha tại TP. Thủ Đức nhằm phát triển khu phức hợp 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp. Dự án này dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2027.
Hồi tháng 2 năm nay, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan là Central Retail công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng để phát triển các dự án phức hợp và trung tâm thương mại. Đến tháng 7, Công ty TNHH Indochina Kajima - liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima của Nhật Bản - đã công bố đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Vốn FDI vào bất động sản năm 2022 đã tăng 70% so với năm 2021. |
Lý giải nguyên nhân vốn FDI ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, một số chuyên gia bất động sản có chung quan điểm rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Trong đó, các phân khúc được các “ông lớn” nước ngoài “săn lùng” gắt gao nhất là bất động sản công nghiệp và hậu cần, những khu đất đã phát triển, khách sạn và văn phòng cho thuê.
Gần đây, Savills Prospects cũng đã bình chọn Việt Nam cùng với Singapore và Nhật Bản là 3 điểm sáng đầu tư bất động sản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
“Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trong năm 2022 với vốn FDI ngày càng tăng và nội lực kinh tế mạnh. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường bất động sản. Đây là tín hiệu tốt, tạo tiền đề cho thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai. Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng được chú trọng phát triển giúp thúc đẩy nhu cầu đầu tư từ nước ngoài vào nhiều lĩnh vực”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định.
Dự báo về dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2023, ông Nguyễn Kim Chung, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nguồn tiền nước ngoài sẽ chưa dừng lại.
“Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam được lọt vào danh sách 20 nền kinh tế đứng đầu về thu hút FDI trên thế giới”, ông Chung cho biết thêm.