Hành động nóng chặn tình trạng sốt đất
Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng vừa ra văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn chặn
Yêu cầu công khai thông tin quy hoạch
Theo đó, văn bản Bộ TN-MT nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.
Giá đất nền tại nhiều địa phương tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh: VGP |
Yêu cầu các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật.
Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch địa phương để người dân hiểu được và tránh bị lợi dụng trục lợi.
Các địa phương phải hoàn thành báo cáo về bộ trước 31/5.
Trước đó một ngày, Bộ Xây dựng cũng ra văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề này.
Ngoài những nội dung chỉ đạo chung, Bộ Xây dựng nhấn mạnh yêu cầu địa phương thực hiện các pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Làm gì để ngăn chặn "sốt đất"?
Tình trạng sốt đất trên thực tế diễn ra từ lâu nhưng chưa có được giải pháp xử lý triệt để.
Mới đây, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 29/3, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng, vấn đề kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai công sản còn có những sai lầm ở một số nơi.
Theo nữ đại biểu, tình trạng này là do những bất cập về pháp luật đất đai.
“Mặc dù nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã trình dự thảo luật sửa đổi Luật Đất đai nhưng cũng nhiều lần xin lùi thời gian trình, và cho đến nay vẫn chưa thể trình được dự thảo. Bên cạnh đó, cần chú ý đến tinh minh bạch về thông tin, bởi nếu thông tin về đất đai rõ ràng thì sẽ không thể có tình trạng bán đất ma. Đại biểu đề nghị Chính phủ sẽ sớm xem xét vấn đề này”, bà Thuý nói.
Cùng đề cập tới nội dung này bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận “sốt đất” xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc điều chỉnh quy hoạch ở các địa phương, theo ông Thanh, cũng là một nguyên nhân gây sốt đất. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập nguyên nhân sốt đất chủ yếu do “cò đất” tung tin và thổi giá, thậm chí nhiều trường hợp là lừa đảo. Ông nhấn mạnh tình trạng “bong bóng bất động sản” này rất nguy hiểm, tác động đến an toàn tài chính và có nguy cơ gây nợ xấu.
Nhìn nhận vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói thẳng, “sốt đất” chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, còn về tổng thể xã hội thì gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Từ thực trạng trên, ông Cường nêu ra 2 giải pháp để kiểm soát “sốt đất”.
Thứ nhất, ông cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần phải minh bạch thông tin đất đai về quy hoạch, xây dựng các dự án, quỹ đất... Khi thông tin công khai, đầy đủ và kip thời sẽ giúp tránh được tình trạng người dân bị thông tin không chính thức dẫn dắt.
Thứ hai, ông cũng mong muốn cần sớm có chính sách hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng đầu cơ, thổi giá đất.
Một trong những chính sách ông đề cập là đánh thuế vào việc thay đổi giá trị của đất do lợi thế địa tô. Ông lấy ví dụ, tại nhiều khu vực, các mảnh đất gia tăng lợi thế địa tô do được Nhà nước đầu tư về hạ tầng, thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Do đó, bản chất của việc gia tăng giá trị của đất khu vực đó là do Nhà nước, nên Nhà nước phải thu hồi chênh lệch lợi thế địa tô.
“Cần đánh thuế thật mạnh để kiểm soát sốt đất. Chúng ta tạo ra một chính sách thuế tốt để làm sao người mua hay đầu cơ sẽ không hưởng lợi từ việc đó, thay vì thả nổi như hiện nay mới xử lý được vấn đề”, ông Cường nói.