'Hệ sinh thái' của Masan Group nhộn nhịp chi cổ tức bằng tiền mặt
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan, mã: MSN) vừa thông báo tăng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 thêm 20%. Ngoài ra, Masan MEATLife (mã: MML) cũng sắp chi hơn 1.600 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 49%.
Mới đây, CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) thông báo nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 49% (mỗi cổ phần sở hữu nhận về 4.900 đồng), Theo đó, với hơn 326,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan MEATLife dự kiến chi hơn 1.600 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 16/12 và ngày thanh toán là ngày 24/12.
Tại thời điểm 31/8/2021, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) là công ty mẹ và cũng là cổ đông lớn nhất của Masan MEATLife với tỷ lệ sở hữu 78,74%; kế sau đó là Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan với 9,12% và VN Consumer Meat II với 7,09%.
Như vậy, Tập đoàn Masan sẽ nhận về xấp xỉ 1.260 tỷ đồng cổ tức từ Masan MEATLife; hai công ty còn lại nhận lần lượt là 146 tỷ và 113 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, Masan MEATLife vừa đăng ký mua vào hơn 20 triệu cp VSN của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN) từ ngày 02-31/12/2021. Trước đó, MML không nắm giữ cổ phiếu nào. Nếu thương vụ thành công, MML sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 25% vốn tại VSN.
Đáng chú ý, trong cùng khoảng thời gian, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) đăng ký bán ra đúng bằng hơn 20 triệu cp VSN mà MML muốn gom vào.
Cả 2 đơn vị trên đều là Công ty con của CTCP Tập đoàn Masan. Trong khi đó, Tập đoàn Masan vừa thông báo tăng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 thêm 20%, thành 1.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng thêm 200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 16/7/2021, các cổ đông đã nhận cổ tức 950 đồng/cổ phiếu và dự kiến cuối tháng 12/2021 các cổ đông nhận phần cổ tức còn lại là 250 đồng/cổ phiếu.
Cùng với việc tăng cổ tức tiền mặt, HĐQT Masan cũng đã thông qua việc xin ý kiến đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 5:1 cho các cổ đông hiện hữu tính tại ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng.
Theo đại diện Masan, việc tăng cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của ban lãnh đạo tập đoàn này nhằm tăng thưởng và gia tăng giá trị cho cổ đông, đồng thời hướng đến hoàn thành mục tiêu trung hạn của bảng cân đối kế toán.
Tình hình tài chính tại Tập đoàn Masan 9 tháng đầu năm 2021 cũng đáng để quan tâm. Cụ thể, tính đến 30/9/2021 vốn chủ sở hữu ghi nhận gần 32.367 tỷ đồng; tổng tài sản tăng nhẹ 7% lên hơn 123.396 tỷ đồng; nợ phải trả ghi nhận hơn 91.029 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, chiếm 73% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 39.858 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn chủ sở hữu.
Như vậy, Masan có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu gấp gần 3 lần. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn của Masan ghi nhận 36.888 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn đã vượt mốc hơn 39.000 tỷ đồng. Dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao.
Năm 2022, Masan đã vạch ra kế hoạch sơ bộ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 -1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 – 3.600 điểm trước cuối năm 2022.
Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall. Mô hình này hiện tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi). Masan tin tưởng mô hình này sẽ thúc đẩy gia tăng giá trị.