Tập đoàn Masan bất ngờ mua mạng di động ảo Reddi: Chia lại thị phần?
Giữa lúc thị trường viễn thông di động gần như đã bão hòa, việc một mạng di động sống nhờ trên hạ tầng mạng lưới của một nhà mạng khác, liệu cơ hội có mở rộng cho mạng di động ảo Reddi vừa được Tập đoàn Masan mua lại?
Masan lấn sân sang lĩnh vực viễn thông di động
Từ chục năm nay, thị trường viễn thông Việt Nam đã hình thành thế “chân vạc”, là môi trường cạnh tranh của ba "tay chơi" chủ chốt gồm Viettel, VNPT và MobiFone, chiếm 96% thị phần viễn thông. Vẫn chưa có nhân tố mới nào xuất hiện, đe dọa vị thế của ba nhà khai thác dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam này.
Vừa qua, Tập đoàn Masan công bố hoàn tất giao dịch mua lại 70% cổ phần của Mobicast, đơn vị đang sở hữu mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Giao dịch này là một trong những bước đi hiện thực hóa chiến lược “Point of Life” của Masan nhằm số hóa nền tảng tiêu dùng bán lẻ, đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng.
Mạng di động ảo (MVNO) là mạng di động mà nhà cung cấp không sở hữu hạ tầng mạng lưới nhưng cung cấp dịch vụ di động tới khách hàng. Một nhà cung cấp mạng di động ảo bước vào thị trường với việc thỏa thuận với một nhà mạng di động để mua lưu lượng truy cập dịch vụ mạng với giá cả gói, sau đó cung cấp dịch vụ với giá bán lẻ riêng.
Hiện Masan đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.
Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng. “Point of Life” là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.
Theo tìm hiểu, hồi tháng 6/2020, Công ty Cổ phần Mobicast đã chính thức khai trương mạng đi động ảo thương hiệu Reddi với đầu số 055. Mạng Reddi lúc đó định vị tập trung cung cấp viễn thông và dịch vụ số cho khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app). Mạng di động ảo Reddi sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Cơ hội nào cho ‘mạng di động ảo’ Reddi có sự tham gia của Masan?
Mạng di động ảo của Mobicast với thương hiệu Reddi (sử dụng đầu số 055) là mạng di động ảo thứ 2 sau Đông Dương Telecom tại thị trường Việt Nam. Mạng Reddi sẽ tham gia vào phân khúc thị trường với đối tượng khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app), đề cao sự tự do trải nghiệm và cá nhân hoá người dùng.
Từ thực tế cho thấy, Masan là doanh nghiệp “mát tay” trong các cuộc mua bán sáp nhập. Các công ty sau mua bán sáp nhật với Masan đều “ăn nên làm ra”, kinh doanh khởi sắc như: Vinacafe Biên Hòa, Bột giặt Net,…
Với sự kiện Masan nhảy vào thị trường viễn thông di động là câu chuyện khá bất ngờ khi họ là người ngoại đạo trong lĩnh vực này. Nếu nhìn lịch sử thị trường viễn thông Việt Nam cho thấy thị trường viễn thông di động tại Việt Nam là một thị trường đầy khắc nghiệt.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư viễn thông có tên tuổi trên thế giới cũng từng sa lầy tại thị trường Việt Nam. Về cơ bản thị phần di động đang thuộc về 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone. Ngoài ra thị trường còn có các nhà mạng khác như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom nhưng thị phần khá khiêm tốn.
Nhìn về quá khứ, mô hình kinh doanh của mạng di động ảo như Đông Dương Telecom là hình thức buôn bán sỉ giữa các doanh nghiệp có hạ tầng mạng (MNO) với doanh nghiệp không có hạ tầng mạng (MVNO). Các doanh nghiệp MNO như VNPT, Viettel hay MobiFone chẳng hạn do dư thừa lưu lượng nên bán lại cho các MVNO (có thể xem các MVNO như những đại lý của MNO), để các MVNO này bán dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.
Đối với các mạng di động ảo, việc có thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách mà nhà mạng MVNO liên kết với MNO như chính sách giá cước (giá mua sỉ có tốt hay không), địa bàn cung cấp có rộng khắp hay không,… Ngoài ra, chất lượng sóng cũng là một rào cản. Bởi chất lượng sóng của các MVNO có thể sẽ không tốt bằng các MNO (doanh nghiệp cho MVNO thuê hạ tầng).
Thực tế, các MVNO chỉ khác các MNO ở chỗ không có hạ tầng mạng còn lại việc tổ chức kinh doanh thì giống nguyên các "mạng di động thực", tức là cũng phải có kênh phân phối, có chính sách chăm sóc khách hàng, hoạt động marketing… Điều này đặt ra những áp lực đối với mạng di động ảo trong việc cạnh tranh với các nhà mạng di động lớn, nhỏ vốn đã có thương hiệu và nhiều kinh nghiệm với hàng chục cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Trước đây, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Dù vậy, ưu điểm của các mạng di động ảo là có gói cước hấp dẫn, không phải bỏ chi phí đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng mạng lưới (phần chi phí lớn nhất của doanh nghiệp viễn thông), nên không bị gánh nặng lớn về tài chính, không bị áp lực lớn về doanh thu, về phát triển thuê bao lớn.
Tuy nhiên lại hạn chế một phần về thương hiệu đến với khách hàng. Hơn nữa, các MNO (đơn vị cho MVNO thuê hạ tầng) sẽ có những ràng buộc để các MVNO không làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu trực tiếp của các MNO. Vì vậy, dù mạng di động ảo như Đông Dương Telecom đã có mặt tại Việt Nam khoảng 2 năm nay, nhưng chưa tạo được ấn tượng trên thị trường di động.
Quay trở lại sự kiện Masan nhảy vào thị trường di động ảo tại Việt Nam, thực sự đã gây chú ý giới đầu tư. Tương lai Masan sẽ có những "chiêu trò" gì để có thể dậy sóng thị trường viễn thông di động tại Việt Nam vốn được coi là bão hòa, khắc nghiệt.