Hệ sinh thái của ông Đỗ Thành Nhân đồng loạt báo lỗ trong quý II

Kể từ sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội thao túng chứng khoán, hệ sinh thái của Louis gặp không ít khó khăn. Khác với giai đoạn năm 2021 nếu các doanh nghiệp họ Louis liên tục báo lãi, có nhiều điểm sáng trong báo cáo tài chính thì năm 2022 là thời kỳ tụt dốc không phanh khi các doanh nghiệp này đồng loạt báo lỗ.

Louis Holdings đã thâu tóm thành viên như thế nào?

Có thể nói, năm 2021 là thời kỳ thịnh vượng của Louis Holdings, dưới sự chèo lái của ông Đỗ Thành Nhân, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sát nhập công ty con, công ty liên kết và thành lập nên hệ sinh thái Louis.

Ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội tháo túng thị trường chứng khoán
Ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội tháo túng thị trường chứng khoán

Cụ thể, năm 2021, thông qua Louis Holdings, ông Nhân đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII) - hiện là CTCP Louis Land. Sau đó ông Nhân cũng mua gom lượng lớn cổ phiếu các doanh nghiệp Louis Capital ( HoSE: TGG), Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) để trở thành cổ đông lớn, ngoài ra còn trong hệ sinh thái còn có Công ty Sametel (HNX: SMT) và Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP)…

Chỉ trong khoảng nửa năm 2021, Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân liên tục thâu tóm thành công BII, TGG, AGM và trở thành cổ đông lớn của một loạt doanh nghiệp khác để tạo nên "hệ sinh thái Louis". Cổ phiếu các doanh nghiệp trong "họ Louis" đều tăng vọt sau khi Louis Houldings có động thái rót vốn.

Tuy nhiên, sự kiện ông Đỗ Thành Nhân cùng những người có liên quan đã bị bắt do thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng đã ảnh hưởng tới hệ sinh thái của Louis, đồng thời, nhân sự nằm trong hệ sinh thái luôn biến động. Thậm chí, có giai đoạn, Louis Land trắng ghế lãnh đạo.

Đồng loạt báo lỗ

Tại kỳ báo cáo tài chính quý II năm nay, nhóm doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Louis Holdings đồng loạt báo lỗ.

Cụ thể, tại Louis Capital, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ 13.5 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 42.6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 8.5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý II của Louis Capital
Báo cáo tài chính quý II của Louis Capital

Trong đó, giá vốn bán hàng tăng cao 204.7 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 13.2 tỷ đồng.

Hay Công ty CP Louis Land (BII) cũng báo cáo doanh thu quý 2/2022 đạt 152 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả lại báo lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp xây dựng này báo lỗ ròng. Theo giải trình, nguyên nhân là do phát sinh phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng. Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty gặp nhiều khó khăn, các dự án đang trong giai đoạn phát triển nên chưa ghi nhận doanh thu. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, dù BII báo tổng doanh thu tăng 91% lên 303 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế đều ghi nhận lỗ gần 19 tỷ đồng, giảm 148% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Nội dung giải trình của Louis Land
Nội dung giải trình của Louis Land

Tương tự, một doanh nghiệp khác thuộc "họ Louis" là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) cũng ghi nhận mức lỗ ròng quý 2/2022 gần 10 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Theo giải trình của AGM, quý II, Công ty tiếp tục đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu giúp doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, lên gần 1.362 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, logistic tăng mạnh và công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của AGM
Báo cáo tài chính của AGM

Với Ladophar đơn vị ghi nhận doanh thu thuần 43,7 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ sau thuế của công ty là 20,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đơn vị này đạt 93,3 tỷ đồng, tăng 8,6%; lỗ sau thuế 18,8 tỷ đồng. Còn Sametel lỗ 5,4 tỷ đồng trong quý II.

Được biết, trước khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, nhóm doanh nghiệp họ Louis đã có một bức tranh tài chính cải thiện đáng kể cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2021, Louis Capital đạt khoảng 801,9 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 98,5 tỷ đồng; tại Louis Land ghi nhận doanh thu thuần 493 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 32,6 tỷ đồng.

Tương tự với Ladophar, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi ròng hơn 55 tỷ đồng trong quý 4/2021 trong khi trước đó Ladophar đã có 6 quý thua lỗ liên tiếp (kể từ quý 2/2020 đến quý 3/2021). Tính đến cuối năm 2021, Ladophar ghi nhận doanh thu thuần đạt 161.903 triệu đồng, đạt 64,05% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 37.870 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty báo lỗ 25.969 triệu đồng.

Song song với việc kết quả kinh doanh khởi sắc, một số cổ phiếu của các công ty trong hệ sinh thái này đều tăng phi mã chỉ trong thời gian ngắn. Tiêu biểu như hai mã cổ phiếu BII và TGG liên tục ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần trong năm 2021. Với mã TGG, từ mức giao dịch 1.200 – 2.000 đồng/cổ phiếu đầu năm TGG đạt mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 22/9/2021. Với mã BII, từ mức giao dịch 1.500 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020 đã tăng lên mức 31.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/09/2021.

Diễn biến giá cổ phiếu BII một năm qua. (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu BII một năm qua. (Nguồn: TradingView)

Tháng 3/2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Louis Holdings hơn 161,2 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng. Nguyên nhân là doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital vượt quá giá trị đăng ký.

Đến tháng 4 thì ông Nhân cùng các cộng sự liên quan bị bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống