'Họ' Vin suy yếu, VN-Index chưa thể xác lập xu hướng tăng ngắn hạn

VN-Index vẫn rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.200, chưa thể hướng tới vùng 1.265 – 1.275 điểm để xác lập xu hướng tăng ngắn hạn.

Phiên giao dịch ngày 15/4, áp lực chốt lời gia tăng mạnh đã khiến thị trường không thể giữ được sắc xanh. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.227,79 điểm, giảm 13,65 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE tiếp tục duy trì ở mức cao, với tổng giá trị giao dịch vượt 24.000 tỷ đồng.

Dưới áp lực bán mạnh, số lượng mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn. Sàn HoSE ghi nhận 145 mã tăng, 47 mã đứng giá và tới 334 mã giảm. Tại rổ VN30, 23 mã giảm điểm, trong đó có 1 mã giảm sàn. Ngược lại, chỉ có 6 mã tăng và 1 mã giữ tham chiếu.

So với phiên sáng, số lượng cổ phiếu tăng điểm trong nhóm VN30 có phần cải thiện, tuy nhiên không thực sự tích cực. Bộ đôi VIC - VHM dù có thời điểm tăng mạnh trong phiên sáng nhưng đến cuối phiên chỉ còn giữ được mức tăng dưới 1,5%. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy quá trình tạo đỉnh đang dần hình thành ở hai cổ phiếu họ Vingroup sau giai đoạn “phi mã” trước đó.

Cổ phiếu 'họ' Vin bắt đầu phát tín hiệu suy yếu
Cổ phiếu 'họ' Vin bắt đầu phát tín hiệu suy yếu

Tương tự, kết phiên, cổ phiếu HPG chỉ còn tăng gần 2%, thu hẹp đáng kể so với mức tăng hơn 3% trong phiên sáng. Dù vậy, đây vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm VN30 và hút dòng tiền ngoại.

Ở chiều giảm, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh. Các mã như TCB, BID, CTG, SHB đồng loạt điều chỉnh trong biên độ từ 1% đến 3%.

Áp lực bán tháo lan rộng trong phiên chiều đã kéo BCM và GVR về mức thấp nhất phiên, thậm chí GVR đã chạm sàn. Đây cũng là hai mã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất lên diễn biến của chỉ số VN-Index. Chung số phận, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp như LHG, SZC, KBC, SIP, VGC,... cũng giảm sâu, nhiều mã đã giảm sàn ngay từ phiên sáng.

Tại nhóm chứng khoán, APG là điểm sáng hiếm hoi khi giữ vững sắc tím suốt cả phiên, trở thành cổ phiếu nổi bật nhất nhóm. Trong khi đó, phần lớn các mã còn lại như SSI, VND, VIX, SHS, CTS, BSI, BVS,... đều chìm trong sắc đỏ, giảm từ 1,5% đến 3,5%.

Ở nhóm bất động sản, dòng tiền có sự phân hóa rõ rệt khi chuyển hướng sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa. HPX và CKG duy trì mức tăng trần, trong khi CCL và NHA cũng tăng nhẹ. Ngược lại, các mã có vốn hóa lớn hơn như DIG, PDR, HDC, CEO, DXG,... ghi nhận diễn biến tiêu cực khi giảm từ 1% đến 3%.

Tại nhóm thủy sản, dòng tiền tiếp tục rút mạnh, khiến sắc đỏ bao phủ hầu hết cổ phiếu trong ngành. CMX và ANV là hai mã hiếm hoi giữ được sắc xanh, tuy nhiên mức tăng đều dưới 1%. Các mã còn lại như IDI, MPC, FMC, VHC giảm từ 2% đến 4%.

Tương tự, nhóm dệt may cũng chứng kiến mức giảm mạnh trong phiên chiều. MSH đóng cửa giảm sàn với thanh khoản vượt trung bình 20 phiên. Các mã khác như VGT, HTG, STK, GIL, TCM,... đồng loạt giảm từ 2% đến 5%.

Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái mua vào thăm dò trong phiên hôm nay. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 215 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất bao gồm HPG (+246 tỷ đồng), MWG (+175 tỷ đồng), VCB (+101 tỷ đồng),...

Cổ phiếu HPG tiếp tục được khối ngoại mua mạnh (Nguồn: Wichart)
Cổ phiếu HPG tiếp tục được khối ngoại mua mạnh (Nguồn: Wichart)

Nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) giữ quan điểm lạc quan khi dự báo VN-Index có thể tiếp tục hướng tới vùng mục tiêu 1.275 – 1.300 điểm trong nhịp hồi phục này. Trong khi đó, Chứng khoán AIS kỳ vọng chỉ số sẽ tiến đến vùng 1.260 – 1.280 điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đang suy yếu rõ rệt và có dấu hiệu kết thúc nhịp phục hồi sớm hơn so với dự báo trước đó của CSI và AIS. Việc hình thành một cây nến đỏ với bóng nến trên dài ngay tại vùng kháng cự mạnh cho thấy tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn đang dần xuất hiện. Bên cạnh đó, lực mua trong hai phiên gần đây cũng tỏ ra yếu hơn đáng kể so với hai phiên cuối tuần trước. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định giải ngân trong giai đoạn hiện tại.

Hoàng Anh

Theo Vietnamfinance