MWG, HPG, TCB hút nghìn tỷ đồng vốn ngoại trong 1 tuần biến động

Tuần giao dịch rút ngắn vì kỳ nghỉ lễ chứng kiến nhiều biến động mạnh trên thị trường chứng khoán, với sự tham gia đáng kể của khối ngoại cả ở chiều mua và bán. Dù tiếp tục bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, dòng vốn ngoại vẫn góp phần giữ nhịp thanh khoản, trong đó MWG, HPG và TCB là những mã hút ròng mạnh nhất.

Dù chỉ có 4 phiên giao dịch do nghỉ lễ đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần đầy biến động với biên độ dao động lớn và tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng, nhưng đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thanh khoản trên thị trường.

MWG, HPG, TCB hút nghìn tỷ đồng vốn ngoại trong 1 tuần biến động - Ảnh 1

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng tổng cộng hơn 1.234 tỷ đồng trong tuần, với hai phiên bán ròng lớn vào ngày 8/4 (-1.223,46 tỷ đồng) và 10/4 (-979,26 tỷ đồng). Ngược lại, lực mua ròng xuất hiện trong hai phiên còn lại là ngày 9/4 (+304,19 tỷ đồng) và 11/4 (+664,13 tỷ đồng).

Diễn biến giao dịch của khối ngoại cũng phần nào phản ánh tâm lý chung của thị trường. Trong phiên đầu tuần (8/4), hoạt động bán ròng diễn ra đồng thời với áp lực bán tháo mạnh trên diện rộng. Tuy nhiên, sau khi VN-Index giảm sâu 77,88 điểm và xuyên thủng mốc 1.200 điểm, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trong phiên 9/4, trong đó có sự quay trở lại mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Phiên 10/4 ghi nhận sự trở lại ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân, đẩy nhiều cổ phiếu tăng kịch trần và khiến VN-Index bật mạnh trở lại. Trong bối cảnh cầu mua trong nước áp đảo và nguồn cung suy giảm khi nhà đầu tư chủ động nắm giữ, động thái bán ròng của khối ngoại được xem là yếu tố hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Đỉnh điểm là phiên cuối tuần (11/4), tâm lý thị trường chuyển sang hưng phấn mạnh mẽ với VN-Index tăng hơn 74 điểm và 1.133 mã cổ phiếu tăng giá. Khối ngoại cũng gia tăng hoạt động giải ngân, cho thấy tín hiệu tích cực về dòng vốn ngoại sau nhịp điều chỉnh sâu.

Về giao dịch cụ thể, cổ phiếu MWG dẫn đầu danh sách được mua ròng trong tuần qua, thu hút 599,3 tỷ đồng từ khối ngoại. Theo sau lần lượt là HPG (340,5 tỷ đồng), TCB (244,9 tỷ đồng) và ACB (244,4 tỷ đồng). Đáng chú ý, MWG và HPG là hai mã từng chịu áp lực bán ròng mạnh trong các tuần trước đó.

Các cổ phiếu khác cũng ghi nhận lực mua ròng đáng kể từ khối ngoại bao gồm: VIC (187,4 tỷ đồng), SAB (98,3 tỷ đồng), HVN (87,9 tỷ đồng), VND (80,1 tỷ đồng), DGC (64,2 tỷ đồng), DXG (62,8 tỷ đồng), BMP (61,7 tỷ đồng) và CTR (46,6 tỷ đồng).

MWG, HPG, TCB hút nghìn tỷ đồng vốn ngoại trong 1 tuần biến động - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, VHM là mã bị bán ròng mạnh nhất, với giá trị lên tới 501,5 tỷ đồng. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng bị khối ngoại giảm tỷ trọng như MBB (-381 tỷ đồng), VCB (-356,9 tỷ đồng), STB (-322,5 tỷ đồng). Ngoài ra, danh sách bán ròng còn ghi nhận các cổ phiếu như VNM (-279,3 tỷ đồng), KBC (-257,9 tỷ đồng), SSI (-180,1 tỷ đồng), TLG (-172 tỷ đồng), QNS (-156,2 tỷ đồng), MSN (-136,4 tỷ đồng), IDC (-134 tỷ đồng) và VRE (-129,3 tỷ đồng).

Trước những biến động bất thường của VN-Index, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng việc thị trường liên tục hình thành các vùng giá chưa được kiểm chứng về mặt thanh khoản khiến việc xác định xu hướng trở nên khó khăn hơn trong ngắn hạn. Trong thời gian tới, vùng kháng cự 1.220–1.250 điểm được đánh giá là vùng áp lực lớn khi chỉ số tiếp cận, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư ngắn hạn (T+) và các hoạt động tái cơ cấu danh mục có thể gia tăng áp lực bán.

Mặt khác, thông tin về đoàn đàm phán thương mại mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, chưa có kế hoạch chi tiết về chính sách thuế, do đó các yếu tố bất định vẫn còn hiện hữu. Chiến lược ưu tiên lúc này là bảo vệ thành quả và duy trì sự thận trọng, đặc biệt đối với các danh mục đang sử dụng đòn bẩy tài chính.

Theo VNDIRECT, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin và chờ đợi các tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn trước khi giải ngân mới. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự gần nhất của VN-Index lần lượt nằm tại 1.160 và 1.220 điểm.

Hải Đường

Theo VietnamFinance