Hòa Phát sản xuất thép vượt Formosa: Điều nghịch lý là...
Hòa Phát vượt Formosa cả về quy mô, công suất, sản lượng bán hàng và biên lợi nhuận, trong khi Formosa được hưởng rất nhiều ưu đãi.
Không cần đợi đến giai đoạn 2 của Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động, Tập đoàn Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, vượt Formosa - doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam về quy mô, công suất, sản lượng bán hàng và biên lợi nhuận.
Theo thông tin từ Hòa Phát, quý I/2021, tập đoàn này sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ. Formasa Hà Tĩnh đứng thứ hai với sản lượng 1,62 triệu tấn, thấp hơn 20% so với sản lượng của Hòa Phát.
Riêng trong tháng 3, Hòa Phát đạt 700.000 tấn thép thô, tăng 56% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thị phần thép xây dựng, ống thép Hòa Phát giữ vị trí số 1 Việt Nam, lần lượt là 33,8% và 30,19%. Tôn Hòa Phát cũng góp mặt trong Top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất với gần 6%.
Sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm trong đó bao gồm trên 5 triệu tấn thép xây dựng và 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm. Trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất là lớn nhất với sản lượng sản xuất đạt 5,2 triệu tấn/năm, tiếp đến là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương với 2,5 triệu tấn/năm. Tổ hợp luyện cán thép tại Hưng Yên công suất 400.000 tấn/năm. Dự kiến khi hoàn thành dự án Hòa Phát Dung Quất 2, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm.
Với năng lực sản xuất trên, Hòa Phát nằm trong tốp 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Từ quý I/2021, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thép từ quặng sắt đa dạng nhất.
Những con số trên đã cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp thép nội địa. Nó khác với năm 2018 - thời điểm Formosa vẫn là nhà sản xuất thép thô hàng đầu với sản lượng dự tính hơn 5 triệu tấn thép thô, gấp đôi sản lượng thép thô của Hòa Phát và đạt 3,44 triệu tấn thép cán nóng, là doanh nghiệp duy nhất tại thị trường nội địa sản xuất được thép HRC tính đến thời điểm đó.
Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, Hòa Phát và các doanh nghiệp thép nội địa nói chung đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Sản lượng thép thô của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Hòa Phát |
Thời điểm Formosa bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, năng lực đầu tư trong nước còn yếu, không đủ khả năng để làm các khu liên hợp tỷ USD, do đó, Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Đáng lưu ý, theo ông Cường, là khi ấy, các doanh nghiệp nội bị xem nhẹ, chưa được chú trọng phát triển.
Nhưng sau đó, tự thân các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã lớn mạnh lên rất nhiều. Các ưu tiên, ưu đãi ban đầu dành cho doanh nghiệp FDI trở thành sự ưu tiên bất bình đẳng.
Đó là các ưu đãi về thuế quan, đền bù giải phóng mặt bằng, thậm chí cung cấp điện, nước... rất nhiều thứ phía Việt Nam phải đầu tư thì FDI mới vào.
Formosa được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế và thuê đất. Doanh nghiệp này được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỷ đồng (mức giá này quá thấp coi như bằng không do đó Formosa đã trả ngay 1 lần).
Doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.
Đặc biệt, trong khi các nhà máy luyện kim của Việt Nam rất cần cảng biển, lượng vận chuyển gấp 4-5 lần lượng sản xuất, vậy nhưng Formosa lại được ưu tiên cảng biển.
"Bây giờ, sự ưu đãi ấy đã trở nên lạc hậu, dù vậy nó vẫn cứ tồn tại và không thể bỏ. Ấy là vì phía Việt Nam đã cam kết, cho phép những ưu đãi này trong giấy phép đầu tư, và những cam kết ấy không có chuyện "hồi tố", không dễ dàng điều chỉnh được", ông Cường lưu ý.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp thép nội địa, vị chuyên gia cho hay, các doanh nghiệp này đã lớn mạnh rất nhanh. Riêng Hòa Phát đã đi dần từng bước, ban đầu họ đầu tư ở Hưng Yên, rồi đến Hải Dương và giờ là Dung Quất. Hòa Phát đã chứng minh một điều: doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có khả năng vượt doanh nghiệp FDI.
"Sở dĩ Hòa Phát vượt Formosa nhanh hơn là vì họ có khu Dung Quất và làm liền một lúc ba lò cao 1.020 m3, đưa công suất vượt Formosa và giờ đang tiếp tục duyệt dự án để làm thêm 2 lò cao 2.500 m3. Một vài năm nữa, doanh nghiệp Việt sẽ còn vượt xa Formosa", ông Phạm Chí Cường nhận định.
Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thép trong nước ngày càng tốt. Chi phí sản xuất của Hòa Phát rất cạnh tranh và ngày càng cạnh tranh so với FDI, vì vậy họ xuất khẩu được sản phẩm, sang cả Trung Quốc. Riêng năm 2020, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phôi thép vào thị trường Trung Quốc.
Từ thành công của Hòa Phát, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: "Rõ ràng, nhìn nhận của cơ quan quản lý đối với tiềm lực của các nhà đầu tư trong nước đã đi sau sự phát triển của thực tế. Đó là lỗi của chúng ta. Điểm đáng mừng là bây giờ chúng ta đã nhận thức được điều này".
Cũng vì thế, ông Phạm Chí Cường đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nội địa phát triển. Những doanh nghiệp đã cạnh tranh thắng lợi với FDI có thể không đòi hỏi, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, theo ông, có thể xem xét hỗ trợ họ mà không vi phạm các cam kết trong các hiệp định FTA Việt Nam đã ký hết hay quy định của WTO.
Ví dụ, đối với những dự án làm ở khu vực không thuận lợi, địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng; hay hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lưới điện, nước dẫn đến nhà máy... Có như vậy mới nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp.