Hoạt động các công ty tài chính: Tín dụng giảm, nợ xấu vẫn 'phình to'

Cùng kinh doanh trong mảng cho vay tiêu dùng, nhưng hiệu quả hoạt động 9 tháng đầu năm của FE Credit, HD Saison và MCredit lại ghi nhận những con số tăng trưởng trái ngược. Đáng nói, nợ xấu tại công ty tài chính bất ngờ 'phình to', song dư nợ tín dụng lại không tăng.

Tín dụng nhóm công ty tài chính không tăng, nợ xấu lại ‘phình to’

Trên thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay, ngoài sự hiện diện từ sớm của Home Credit (100% vốn nước ngoài), còn có sự cạnh tranh gay gắt của nhóm các công ty tài chính trong nước với chủ sở hữu là các ngân hàng thương mại.

FE Credit, HD Saison và Mcredit hiện là 3 công ty tài chính trong nước có thị phần cho vay tiêu dùng lớn nhất. Trong đó, riêng FE Credit đang nắm hơn 52% thị phần, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Home Credit với 17%; HD Saison với 11% và MCredit khoảng 8%.

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính do Hiệp hội ngân hàng tổ, tính đến nay, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đã đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là: Fe Credit (10.928 tỷ). 

Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020. Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu bình quân lại vọt lên mức 10% (cuối năm 2020 đạt khoảng 6%) và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, do khách hàng vay của các công ty tài chính đều là khách hàng dưới chuẩn nên nguy cơ nợ xấu do đại dịch Covid-19 đang hiện hữu với các công ty tài chính.

“Nhìn chung, đặc thù khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, do nhiều thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động của nhóm các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, có tiền nhưng không thể cho vay. Những yếu tố này dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm”, ông Hùng đánh giá.

Các công ty tài chính đang hoạt động ra sao?

Trong quý 3/2021, Công ty tài chính Mcredit được hậu thuẫn bởi ngân hàng mẹ MBBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 7% so với cùng kỳ, về còn 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ các quý trước khá khẩm nên lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 430 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 2 lần cùng kỳ.

Dựa vào báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9/2021 là 2.400 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm; nợ xấu hợp nhất là 3.186 tỷ đồng. Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con Mcredit khoảng 755 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng cuối tháng 9 của MBBank hợp nhất là 336.400 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ là 318.300 tỷ đồng. Theo đó, ước tính, dư nợ tín dụng của MCredit là khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng gần 755 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chiếm đến 6,78% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỷ lệ này tăng khá nhanh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%.

Hoạt động các công ty tài chính: Tín dụng giảm, nợ xấu vẫn 'phình to' - Ảnh 1

Trái ngược với Mcredit, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Công ty TNHH HD Saison đạt 795 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2% so với mức cùng kỳ năm 2020. Riêng trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 205 tỷ đồng, giảm 6% so với con số cùng kỳ năm 2020 (218 tỷ đồng).

Về dư nợ tín dụng, tính đến cuối tháng 9/2021, tín dụng của HD Saison sụt giảm mạnh 13,5% so với đầu năm, xuống còn 12.304 tỷ đồng. Đáng nói, tín dụng giảm song tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng vọt lên 7,35%, ghi nhận khoảng hơn 904 tỷ đồng. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu tại HD Saison tăng từ mức 5,44% tại thời điểm cuối năm 2019 lên mức 5,81% vào cuối năm 2020.

Hoạt động các công ty tài chính: Tín dụng giảm, nợ xấu vẫn 'phình to' - Ảnh 2

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận năm 2021 của HD Saison có thể tăng 15% so với năm trước, đạt 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch của ban lãnh đạo HD Saison, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong năm nay là từ 15 -25%. 

Có phần thảm hại hơn là trường hợp của FE Credit, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 900 tỷ đồng. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, công ty này báo lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, như vậy FE Credit đã lỗ khoảng 300 tỷ đồng trong quý 3.

Tương tự như HD Saison, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit tính đến 30/9/2021 giảm hơn 3% so với đầu năm, khoảng 62.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, đây là lần đầu tiên dư nợ tín dụng của FE Credit sụt giảm.

Hoạt động các công ty tài chính: Tín dụng giảm, nợ xấu vẫn 'phình to' - Ảnh 3
Kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của FE Credit. (Nguồn: Báo cáo kết quả hoạt động của VPBank).

Như vậy, mảng tài chính tiêu dùng, những "con gà đẻ trứng vàng" của các ngân hàng đang phải gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch. FE Credit, công ty tài chính có thị phần lớn nhất, đã ghi nhận lỗ 300 tỷ đồng trong quý 3/2021; còn HD Saison và MCredit ghi nhận lợi nhuận dương nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, nợ xấu cả 3 công ty tài chính này bất ngờ 'leo dốc' dù cho dư nợ tín dụng không hề tăng.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ