Hoạt động phát hành trái phiếu hồi phục, hơn 1,3 tỷ USD trái phiếu được mua lại trước hạn trong quý I/2023
Trong quý I/2023, có 14 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt hơn 28.335 tỷ đồng tăng 59% so với quý IV/2022. Đồng thời, có hơn 29.860 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ USD) đã được các doanh nghiệp phát hành mua lại trước hạn.
Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu trở lại
Theo số liệu từ Công ty chứng khoán VNDirect, trong quý I/2023, thị trường TPDN có 14 đợt phát hành trong nước thành công với tổng giá trị đạt hơn 28.335 tỷ đồng tăng 59% so với quý IV/2022, nhưng vẫn giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 11 đợt phát hành riêng lẻ (PHRL) với tổng giá trị phát hành (GTPH) là 24.435 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng GTPH.
Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất trong quý 1/2023 khi chiếm hơn 85% tổng GTPH, tiếp theo là nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm ngân hàng với tỷ lệ phát hành chiếm lần lượt là 12,35% và1,41% tổng GTPH.
Có thể thấy, kể từ sau khi Nghị định 08 được ban hành vào ngày 5/3/2023, hoạt động phát hành trái phiếu bắt đầu có sự phục hồi.
Một số đợt phát hành đáng chú ý có thể kể đến như: Công ty TNHH Phát triển đô thị Hưng Yên, với giá trị phát hành 7.200 tỷ đồng trái phiếu không lãi suất, có kỳ hạn 12 tháng. Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển Đô thị Ngôi Sao Phương Nam phát hành 4.695 tỷ đồng trái phiếu, có lãi suất 13%/năm kỳ hạn 18 tháng. Công ty TNHH Kinh doanh nội thất LuxuryLiving phát hành 4.800 tỷ đồng, có lãi suất 9%/năm kỳ hạn 5 năm.
Hay như Công ty CP Đầu tư và Kinh Doanh Nam An phát hành 4.700 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất13%/năm, kỳ hạn 18 tháng. Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Dream City Villas phát hành 2.300 tỷ đồng, có lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 5 năm.
Sôi động mua lại trái phiếu trước hạn
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại đã đạt hơn 29.860 tỷ (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: VBMA. |
Riêng trong tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 14.300 tỷ đồng, tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022. Trong đó, xây dựng và hàng tiêu dùng là hai nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng và 3.400 tỷ đồng, tương đương chiếm 35% và 24% trong tổng giá trị mua lại.
Mới đây nhất là thương vụ mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã CK: DIG). Trái chủ của lô trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – mã CK: HDB).
Đáng chú ý, VBMA cũng cho biết, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4 này là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Nguồn: VBMA. |
Trước đó, tính đến ngày 22/3/2023, có khoảng 53 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX.
Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 148,9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng gần 13,6% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng hơn 46,2 nghìn tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,8% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Theo VNDirect, Nghị định 08 vừa được Chính phủ ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường TPDN:
Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành (TCPH) thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn.
Thứ hai, cho phép TCPH thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì giải pháp này cũng mở ra một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp (trong trường hợp trái chủ đồng ý.
Thứ ba, tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc tăng thời gian phân phối.Thứ tư, giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ đổi với một số doanh nghiệp.