Hơn 13.000 tỷ đồng về tay ngân hàng MB trong 7 tháng qua

7 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành tại ngân hàng MB hơn 13.000 tỷ đồng.

 

Hơn 13.000 tỷ đồng về tay ngân hàng MB trong 7 tháng qua - Ảnh 1

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) đã phát hành tổng cộng 10.190 tỷ đồng trái phiếu tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, trong tháng 7/2022, nhà băng này cũng đã huy động thành công hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt chào bán.

Cụ thể, ngày 26/7, ngân hàng MB đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm. Ngày hoàn tất chào bán cũng trong ngày, ngày đáo hạn là 26/7/2025. Đến ngày 28/7, nhà băng này tiếp tục chào bán 30 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm.

Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất, mục đích và người mua trái phiếu không được ngân hàng tiết lộ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, tính đến 30/6/2022, ngân hàng MB đang nắm giữ hơn 49.719 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 17% so với đầu năm.

Hơn 13.000 tỷ đồng về tay ngân hàng MB trong 7 tháng qua - Ảnh 2
Hơn 13.000 tỷ đồng về tay ngân hàng MB trong 7 tháng qua - Ảnh 3
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại ngân hàng MB

Vấn đề đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những chủ đề làm nóng hội trường đại hội cổ đông nhiều ngân hàng năm nay. Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (VBMA), lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, có 241 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 155.569 tỷ đồng, chiếm 94,53% tổng giá trị phát hành.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỷ đồng (chiếm 5,47% tổng giá trị phát hành) và 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) trị giá 625 triệu USD.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu việc huy động vốn qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, chiếm 48,9% tổng giá trị phát hành. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm 25,9%.

Đáng chú ý, top 10 doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành lớn nhất trong nửa đầu năm 2022 đều là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, ngân hàng BIDV dẫn đầu với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 14.505 tỷ đồng. Tiếp đến là Techcombank (10.950 tỷ đồng), MB (10.190 tỷ đồng), ACB (7.150 tỷ đồng), VIB (6.948 tỷ đồng), OCB (5.700 tỷ đồng), TPBank (4.999 tỷ đồng).

Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, không phủ nhận việc các ngân hàng phát hành trái phiếu ồ ạt thời gian qua nhằm giải quyết cơn “khát” vốn hay cải thiện hệ số CAR. Bên cạnh đó, huy động vốn còn để mở rộng thị trường và còn để đảm bảo cân bằng nguồn vốn, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên.

“Nợ cho vay ra đến thời hạn nào đó khách hàng phải trả nợ, tiền trả nợ đó quay về ngân hàng. Đây là tiền ngân hàng huy động từ khách hàng trước đây và bây giờ ngân hàng lấy tiền đó trả lại khách hàng.

Nợ xấu là đồng tiền cho vay ra không quay trở lại ngân hàng nữa, nhưng nợ đó vẫn còn trên sổ sách và vẫn còn là tài sản của ngân hàng. Ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng khi khoản tiền gửi đáo hạn”, vị chuyên gia kinh tế nói.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng MB trong 6 tháng đầu năm đạt 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ và thực hiện 58,6% kế hoạch năm nhờ lãi thuần các hoạt động kinh doanh có tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, lãi dự thu tại MB tính đến 30/6/2022 cũng tăng 17% từ 3.962 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.533 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng này tăng hơn 50% so với đầu năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi so với đầu năm, từ 819 tỷ đồng lên 1.826 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 38% lên hơn 1.981 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 15% lên gần 1.168 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu tại MB tăng đến 52% lên gần 4.976 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 0,9% hồi đầu năm lên 1,2%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ