Hợp nhất SVC Holdings, “ông trùm BOT” Tasco tham vọng đặt mục tiêu doanh thu 22.500 tỷ đồng

CTCP Tasco (Mã: HUT) là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào hạ tầng VETC tại Việt Nam và trong thời gian tới, đơn vị này cũng dự định sẽ hợp nhất với SVC Holdings về phân phối mảng ô tô. Điều này cũng là cơ sở để Tasco hướng tới mục tiêu tham vọng doanh thu cao gấp 21 lần, lãi gấp 4 lần năm 2022.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được Tasco trình bày trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 25/3 tại Hà Nội.

Kế hoạch kinh doanh của Công ty cổ phần Tasco (HUT) vừa công bố, cho biết doanh nghiệp này dự kiến doanh thu năm nay 22.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 600 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu trên lần lượt tăng khoảng 21 lần và 4 lần so với năm ngoái. Nếu đạt được, đây sẽ là năm kinh doanh có kết quả kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Tasco.

Các ngành nghề của Tasco đang kinh doanh ra sao?

CTCP Tasco (mã: HUT) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng và khai thác BOT với danh mục hàng chục dự án có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và nhiều trạm thu phí để hoàn vốn như Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng,…

Trong năm 2022, Tasco mang về 143,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có mảng đầu tư kinh doanh bất động sản và dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng có mức lợi nhuận âm. Hoạt động xây lắp và các hoạt đọng khác cùng với dịch vụ thu phí đường bộ kéo lại khoản lỗ giúp Tasco có lãi trong năm 2022.

Hợp nhất SVC Holdings, “ông trùm BOT” Tasco tham vọng đặt mục tiêu doanh thu 22.500 tỷ đồng - Ảnh 1
Báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận năm 2022.

Ở mảng kinh doanh cốt lõi - thu phí giao thông (BOT) - năm ngoái, các dự án đều chịu ảnh hưởng giảm lưu lượng trong khoảng 3 tháng giãn cách vì Covid-19, nhưng doanh thu phục hồi và tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm. Các dự án BOT mang về gần 569 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm 2021; lợi nhuận từ hoạt động này mang về 58,5 tỷ đồng.

Việc triển khai thu phí tự động không dừng với Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) được triển khai trên 4 tuyến huyết mạch có tổng chiều dài 490 km, quy mô 132 làn. Tổng số phương tiện đã dán thẻ VETC đạt hơn 2,5 triệu xe (chiếm 50% tổng số xe cả nước) với hơn một triệu giao dịch mỗi ngày. Nhờ đó, doanh thu thu phí không dừng đạt 346 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với năm 2021 tuy nhiên, mảng này chưa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp khi ghi nhận lợi nhuận âm 132,6 tỷ đồng.

Về mảng bất động sản, Tasco thông qua Tasco Land cũng đầu tư vào NVT Holdings - sở hữu các khu resort Six Senses Ninh Vân Bay Nha Trang (Khánh Hòa), Khu Ana Mandara Đà Lạt (Lâm Đồng), dự án tại Mũi Né (Bình Thuận).

Ban lãnh đạo công ty cho biết biên lợi nhuận hoạt động của Six Senses Ninh Van Bay và Ana Mandara Đà Lạt trong năm ngoái đạt mức cao vượt 2019 - năm tốt nhất đến trước khi dịch bùng phát.

Về doanh thu mảng này, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 cho thấy, doanh thu đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 42 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ 56 tỷ đồng. Và lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh bất động sản âm 42,4 tỷ đồng.

Còn ở hoạt động xây lắp và các hoạt động khác đạt doanh thu thuần 116,4 tỷ đồng, mảng này lại mang lại lợi nhuận và giúp đơn vị có lãi trong năm 2022. Lợi nhuận ở mảng này mang về là 259,4 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Tasco có dự định mở rộng hoạt động ngành nghề kinh doanh. Theo kế hoạch năm nay, công ty này sẽ hoàn thành thủ tục để sở hữu SVC Holdings và hoàn thiện hệ sinh thái về ôtô. Tasco muốn tăng số lượng showroom lên 120 vào năm 2026 và phát triển thương hiệu ôtô mới gồm xe sang và xe điện. Khi sở hữu SVC Holdings, công ty này đồng thời nắm giữ nhiều trung tâm như Savico Megamall (Hà Nội), trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng, Cần Thơ.

Cổ tức 2022 sẽ dùng để góp vốn cho công ty bảo hiểm

Theo dự kiến, tại ĐHĐCĐ sắp tới, HĐQT Tasco sẽ trình việc sửa đổi, bổ sung phương án phát hành 116 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu .

Theo đó, đơn vị sẽ sử dụng số tiền hơn 1.162 tỷ đồng thu được để bổ sung vốn cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (trước đây là Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam). Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2023.

Theo phương án ban đầu, số tiền dự kiến thu được sẽ được dùng để góp vốn vào Tasco Land (550 tỷ) và Bảo hiểm Tasco (612 tỷ).

Theo phương án mới, cổ đông hiện hữu chỉ được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm 1 lần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua trong thời gian quy định. Người nhận chuyển nhượng quyền mua không được chuyển nhượng quyền mua đó cho bên thứ ba.

Việc thực hiện phương án phát hành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng sẽ được thực hiện độc lập với phương án phát hành cổ phiếu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần SVC Holdings.

Trước đó, vào tháng 12/2022, Tasco đã thành lập Công ty Bảo hiểm Tasco (Tasco Insurance - TIC) sau khi hoàn thành việc nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles- Một Tập đoàn bảo hiểm danh tiếng của Pháp. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Tasco nhằm cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hoá thông qua kênh phân phối hiện đại và phát huy lợi thế của hệ sinh thái lớn để cung cấp cho khách hàng dịch vụ toàn diện và ưu việt.

Chủ nợ lớn nhất của Tasco là ai?

Xét về tình hình tài chính, tính tới thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản Tasco hơn 11.632 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 900 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả HUT gần 7.765 tỷ đồng, tăng 11%. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm 9% còn hơn 280 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 8% còn hơn 4.553 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 3.873 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản cao gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.

Các khaonr vay ngắn hạn của Tasco nằm ở Ngân hàng TMCP – Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với tổng dư nợ vay là 3,5 tỷ đồng thời hạn 1 năm ký ngày 11/11/2022. Mục đích vay để bổ sung vốn lưu động cho Gói thầu DVTP, thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc VEC quản lý, khai thác. Tài sản đảm bảo là máy móc, thiết bị hình thành từ dự án.

Hợp nhất SVC Holdings, “ông trùm BOT” Tasco tham vọng đặt mục tiêu doanh thu 22.500 tỷ đồng - Ảnh 2
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Còn về nợ vay dài hạn, Tasco đang vay dài hạn hơn 4.553 tỷ đồng tại các ngân hàng để thực hiện các dự án BOT, dự án thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe. Bên cạnh đó, Tasco có khoản vay tại Vietinbank CN Thăng Long ký ngày 11/11/2022 với tổng giá trị không vượt quá 41 tỷ đồng có kỳ hạn vay 60 tháng. Mục đích vay để bổ sung vốn đầu tư cho gói thầu DVTP. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản cố định hình thành từ dự án đầu tư và quyền thu phí trong thời gian thực hiện dự án.

Hợp nhất SVC Holdings, “ông trùm BOT” Tasco tham vọng đặt mục tiêu doanh thu 22.500 tỷ đồng - Ảnh 3
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Tại bản báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Tasco chỉ tiết lộ Ngân hàng Vietinbank cho vay để đầu tư các dự án và không tiết lộ thêm những đơn vị tài chính nào đang cho vay dài hạn với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Vì thế, chủ nợ lớn nhất của Tasco vẫn là một ẩn số.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển