HSG: lợi nhuận quý tăng 19 lần, vượt kế hoạch cả năm tài chính
Sau 9 tháng, Tập đoàn Hoa Sen đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm tài chính, đạt 696 tỷ đồng. Riêng trong quý III, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 273 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần.
Trong kỳ kế toán từ ngày 1/4 – 30/6/2024 niên độ tài chính 2023-2024 (tạm gọi là quý III), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần hơn 10.840 tỷ đồng, tăng 25,4% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp tăng gần gấp rưỡi, đạt hơn 1.336 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 10,32% (quý III niên độ 2022-2023) lên mức 12,33% trong quý III.
Hoạt động tài chính đem về cho HSG nguồn thu hơn 30 tỷ đồng, cao gấp đối cùng kỳ trong đó 29,3 tỷ đồng là lãi từ chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính đi ngang, đạt hơn 64 tỷ đồng.
Trong quý III, chi phí bán hàng của HSG tăng 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 900 tỷ đồng chủ yếu do chi phí xuất khẩu đã tăng thêm hơn 135 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 12%, đạt 129 tỷ đồng.
HSG báo lãi quý III hơn 273 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần mức thực hiện cùng kỳ niên độ trước. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của HSG tăng 23,9%, đạt 29.163 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 696 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng.
Niên độ 2023-2024, HSG lên kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với mức thực hiện cùng kỳ. Doanh thu mục tiêu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 12,33 lần so với mức thực hiện niên độ 2022-2023.
Ở kịch bản thứ hai, sản lượng dự kiến đạt 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với mức thực hiện cùng kỳ. Doanh thu mục tiêu đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 500 tỷ đồng, tăng gấp 15,67 lần so với mức thực hiện niên độ 2022-2023.
Như vậy sau 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 81-86% kế hoạch về doanh thu và vượt kế hoạch về lợi nhuận ở cả 2 kịch bản.
Tính đến ngày 30/6/2024, quy mô tài sản của HSG đạt hơn 19.722 tỷ đồng, tăng 13,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm hơn nửa là hàng tồn kho với giá trị hơn 10.157 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm, tuy nhiên đã có phần sụt giảm so với thời điểm cuối quý trước khoảng 14%.
Lượng tiền nhàn rỗi (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của HSG đạt khoảng hơn 500 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Tài sản dở dang dài hạn ghi nhận hơn 582 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án khách sạn ở Yên Bái (392 tỷ đồng). Được biết, dự án này được triển khai từ năm 2016, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1.200 tỷ đồng. Diện tích khu đất xây dựng dự án là 1,5ha.
Vào hồi cuối tháng 5 vừa qua, HSG đã phát đi thông báo về việc chào thầu thi công hoàn thiện kiến trúc và nội thất dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái.
Trước đó vào đầu tháng 5, HSG đã chấp thuận tăng vốn cho công ty con – Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái thêm 200 tỷ đồng, từ mức 421 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái được kỳ vọng đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuy nhiên đến nay chưa hoàn thiện. Với các động thái gần đây của HSG, giới phân tích dự báo dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái sẽ sớm được hồi sinh và về đích sau nhiều năm thực hiện.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của HSG tăng 30,8% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 8.611 tỷ đồng. Đóng góp không nhỏ vào sự gia tăng của nợ phải trả là các khoản nợ vay ngắn hạn của HSG.
Theo đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng gấp đôi so với đầu năm, từ mức 2.936 tỷ đồng lên mức 5.944 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy HSG đã tăng vay nợ tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) thêm hơn 1.600 tỷ đồng, vay mới gần 156 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam), gần 795 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và hơn 340 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank.
Tại ĐHĐCĐ hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Lê Phước Vũ đã từng lý giải về mức dư nợ cao của HSG, khi đó là hơn 4.600 tỷ đồng. Theo ông, mức dư nợ tăng cao như trên do các đơn hàng của HSG về sớm, về dồn so với kế hoạch, dẫn đến tồn kho cao và dư nựo cao.