Hưng Thịnh, Ecopark, Văn Phú – Invest… cùng hàng loạt ‘ông lớn’ BĐS nào đang âm thầm ‘đổ tiền’ về Lâm Đồng?
Sở hữu lợi thế thiên nhiên và con người, Lâm Đồng được đánh giá rất cao về khả năng phát triển lâu dài. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng thị trường nhà đất Lâm Đồng có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Lâm Đồng có thực sự tiềm năng?
Tỉnh Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn, có diện tích lên đến 9.783,2km2 và đứng thứ 24 về dân số (2019). Gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, Lâm Đồng có 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc và 10 huyện.
Nằm cách TP. Hồ Chí Minh 200 km về hướng Bắc, cảng biển Nha Trang 135 km về hướng Tây, lại có lợi thế về du lịch, Lâm Đồng trở thành điểm định cư hấp dẫn của rất nhiều người.
Về kinh tế, Lâm Đồng vẫn đang phát triển theo cơ cấu Nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp. Đây là tỉnh có tổng diện tích trồng Trà lớn nhất Việt Nam, ngoài ra xuất khẩu cà phê cũng là một thế mạnh. Sau nông nghiệp, du lịch vẫn đang là lĩnh vực mang lại kinh tế ổn định trong những năm trở lại đây. Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu lý tưởng, Lâm Đồng được bình chọn là một trong những nơi đáng sống nhất tại Việt Nam. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, điều kiện tự nhiên lý tưởng, đặc biệt là địa hình rất đa dạng thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng theo mô hình nhà vườn.
Theo thống kê của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, hàng chục doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP HCM và Hà Nội đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản tại đây. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp âm thầm thu gom quỹ đất lớn để triển khai những dự án quy mô như Hưng Thịnh, Happy House, Him Lam, Tập đoàn Ecopark...
Trong đó, các khu nhà vườn theo xu hướng "sống thuận tự nhiên", những trang trại nông nghiệp, làng sinh thái đầu tư bài bản đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhiều người tìm mua đất vườn để trồng cây, trồng rau, tập tành làm nông dân, mong ước có một ngôi nhà thứ hai để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Khu vực này còn tiềm năng phát triển mạnh về bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Cuộc ‘đổ bộ’ của các ‘ông lớn’ bất động sản về Lâm Đồng
Không bỏ lỡ xu hướng trên, thời gian gần đây, nhiều "ông lớn" trên thị trường địa ốc như Novaland, Vingroup, FLC, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark,... đã chọn Tây Nguyên làm điểm dừng chân.
Chỉ trong tháng 6/2020, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã liên tục đón các doanh nghiệp lớn về tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án.
Đơn cử, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest vừa đề xuất đầu tư vào 3 dự án, bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2, nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát, quy hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.
Tập đoàn Him Lam cũng đang xúc tiến đầu tư một số dự án tại TP Bảo Lộc như Khu dân cư phường B'Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc - Nam.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đang hướng tới nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía nam TP Bảo Lộc.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Ecopark đang hướng tới 2 dự án tại TP Bảo Lộc là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Đáng chú ý, tháng 7/2020, Novaland – một doanh nghiệp địa ốc lớn tại khu vực phía Nam cũng đã đến Bảo Lộc để tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực BĐS và nông nghiệp công nghệ cao.
Sắp tới, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thành phố Bảo Lộc trong việc tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và sẽ hỗ trợ chi phí để TP Bảo Lộc triển khai qui hoạch phân khu.
Theo Báo Thanh Niên, đại diện Ban Quản lí dự án Thăng Long cho biết đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai đầu tư các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (60 km), Tân Phú - Bảo Lộc (66 km), Bảo Lộc - Liên Khương (73 km), để triển khai chuẩn bị đầu tư theo quy định của luật Đầu tư công và dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Với các nhà đầu tư cá nhân, những thông tin về hạ tầng cùng sự tham gia của các ông lớn đã khiến thị trường bất động sản nông nghiệp tại địa phương này đang nóng hơn bao giờ hết.
Với các ông lớn, sau những năm ‘chinh chiến’ tại vùng bất động sản du lịch biển - hiện đang đóng băng do tác động kép của suy thoái kinh tế lẫn pháp lí bất động sản, dòng tiền lớn đã chuyển hướng xem vùng đất Tây Nguyên, trong đó Lâm Đồng là địa hạt mới cho kế hoạch phát triển dài hơn của mình.