Hủy bỏ ngàn tỷ: Sự cố hy hữu, 10 năm có 1

- Sự kiện hy hữu đã xảy ra khiến giao dịch có thể lên tới cả ngàn tỷ đã bị hủy và chưa biết khi nào sẽ khắc phục xong. Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm, các nhà đầu tư chứng kiến hiện tượng này.

 

Sự cố hy hữu

Một sự kiện hy hữu đã xảy ra trên thị trường chứng khoán. Sáng sớm 23/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về việc ngừng giao dịch ngày 23/1 sau khi đã hủy kết quả giao dịch đợt khớp lệnh định kỳ cuối phiên ATC hôm 22/1 do sự cố kỹ thuật.

Theo thông báo của HOSE, vào phiên giao dịch ngày 22/01/2018, lúc 14 giờ 31 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đã xảy ra sự cố kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống đã lỗi kết nối vào cuối phiên 22/1 khiến thị trường treo cứng trong phiên khớp lệnh định kỳ ATC. Bảng giá của các công ty chứng khoán tất ở ở trong tình trạng tê liệt.

Hiện HOSE đang tích cực khắc phục sự cố để nối lại hoạt động giao dịch “trong thời gian sớm nhất” và “rất tiếc về sự cố này và mong nhận được sự hợp tác của các thành viên thị trường và công chúng đầu tư”.

Hủy bỏ ngàn tỷ: Sự cố hy hữu, 10 năm có 1 - Ảnh 1


Cách đây 10 năm, hồi tháng 5/2008, TTCK cũng đã chứng kiến sự cố tương tự. HOSE đã phải đóng cửa sau trong vài phiên. Tuy nhiên, ở vào thời điểm đó, khối lượng giao dịch không nhiều và do vậy mức độ ảnh hưởng không lớn như vào thời điểm hiện tại.

Trong phiên giao dịch 22/1/2018 cho dù sự cố xảy ra, TTCK vẫn chứng kiến tổng giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục, khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Số lượng lệnh đã được đặt nhưng không được thực hiện do sự cố chưa được thống kê. Các giao dịch thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Theo thông kê, giao dịch ở các phiên ATC chiếm khoảng 12-15% tổng giao dịch trong 1 phiên. Có lúc lên tới 40%/tổng giá trị phiên. Nếu phiên 22/1 cũng đạt mức tương tự thì giá trị giao dịch đang kẹt có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang.

Sự cố hệ thống giao dịch chứng khoán không phải sự kiện hy hữu mà có thể xảy ra với bất kỳ sàn giao dịch nào. Trong quy chế hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới đều có các quy định, quy trình xử lý các sự cố, tương ứng với các tình huống có thể xảy ra trong thực tế.

Trước đó, TTCK Việt Nam cũng đã từng sập sàn do lỗi hệ thống máy chủ hồi đầu tháng 2/2007 đúng vào thời điểm thị trường đang nóng bỏng. Bảng giao dịch của HOSE khi đó không hiển thị giao dịch, bảng điện tử toàn số 0. HOSE sau đó đã phải ngừng phiên giao dịch buổi sáng và bù vào buổi chiều với giao dịch tăng đột biến.

Cuối năm 2006, TTCK cũng đã từng sập sàn khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.


Dòng tiền vẫn dồn dập

Trả lời báo chí về sự cố kỹ thuật vừa qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Sở GDCK TP.HCM đã báo cáo Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và đã thực hiện tạm ngừng giao dịch đợt khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa; và sau đó đã thông báo ngừng giao dịch ngày 23/01/2018 để khắc phục sự cố.

Hủy bỏ ngàn tỷ: Sự cố hy hữu, 10 năm có 1 - Ảnh 2
Dòng tiền đang ồ ạt đổ vào TTCK.


Cũng theo ông Trần Văn Dũng, Sở GDCK TP.HCM đã cùng các chuyên gia của Sở GDCK Thái Lan (đơn vị cung cấp hệ thống) tích cực phân tích, tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố từ suốt đêm qua và hy vọng thị trường giao dịch tại Sở GDCK TP.HCM sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 24/01/2018.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Trong quá khứ, TTCK cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục 3 ngày vào tháng 5 năm 2008. Về mặt pháp lý, Thông tư của Bộ Tài chính và Quy chế giao dịch của các Sở GDCK cũng đã quy định rất rõ các vấn đề cẩn phải xử lý khi Sở buộc phải tạm dừng hệ thống giao dịch.

Nhìn ra thị trường quốc tế, trên nhiều thị trường lớn, hiện đại cũng không tránh khỏi sự cố kỹ thuật và buộc phải tạm ngừng giao dịch: như Sở Giao dịch Chứng khoán New York (năm 2005, 2013); Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (năm 2013), Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (năm 2005). Trong năm 2017, một số Sở Giao dịch Chứng khoán của Ấn Độ, Indonesia… cũng có sự cố kỹ thuật buộc phải tạm ngừng giao dịch trong nhiều giờ để khắc phục.

Khi thị trường gặp sự cố tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư, dù ít hay nhiều. Trong những trường hợp như vậy thì điều quan trọng là các Sở và cơ quan quản lý cần thông báo kịp thời đến các thành viên thị trường và nhà đầu tư để họ biết và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hoạt động và quyết định đầu tư.

Ông Trần Văn Dũng mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị các NĐT cần lưu ý một số điểm khi HOSE tạm ngừng giao dịch.

Theo đó, trong ngày 23/01/2018, khi thị trường HOSE ngừng giao dịch thì chỉ số VN30 không có biến động, do vậy nhà đầu tư cần lưu ý và có tính toán cẩn trọng khi giao dịch các sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Sở GDCK Hà Nội.

Còn khi thị trường Sở GDCK TP.HCM mở cửa giao dịch trở lại, giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 22/01/2018 sẽ được sử dụng làm giá tham chiếu

Ông Trần Văn Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tốt, được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vĩ mô phát triển và dòng vốn nước ngoài vào mạnh, ổn định. Do vậy, các nhà đầu tư nên bình tĩnh trong nhìn nhận, đánh giá để quản trị rủi ro tốt trong đầu tư và không bỏ lỡ cơ hội.

TTCK hiện đang ở vào thời điểm sôi động chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số VN-Index trong phiên 22/1 đang ở mức cao kỷ lục 10 năm mới. Dòng tiền nội ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường.

 

 

 

Theo M. Hà
Vietnamnet




Link nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/hose-sap-san-huy-bo-ngan-ty-su-co-hy-huu-10-nam-co-1-425306.html