Huyện đông dân nhất Việt Nam được đề xuất lên thẳng thành phố, bỏ qua bước trở thành quận
Nơi đây là cửa ngõ phía nam để đi vào TP. HCM, được định hướng trở thành thành phố phức hợp, liên kết vùng.
Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đã đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TP. HCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030. Do huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường.
Vì vậy, huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi từ huyện lên TP trực thuộc TP. Dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện Bình Chánh phải phát triển 12/16 xã, thị trấn thành phường và định hướng phát triển Bình Chánh trở thành TP phức hợp, liên kết vùng.
Huyện Bình Chánh là một trong ba địa phương có diện tích lớn nhất TP. HCM, với hơn 252km2 (chiếm 12% diện tích toàn thành phố), chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Ngoài ra, đây cũng là huyện có số dân đông nhất cả nước với hơn 815.000 người, bình quân mỗi năm dân số tăng thêm 40.000 người.
Bình Chánh là cửa ngõ phía nam để đi vào TP. HCM, với hệ thống đường thủy, bộ thuận lợi, đường thủy có sông Chợ Đệm, sông Cần Giuộc, đường bộ có tỉnh lộ 10, quốc lộ 1A, Liên tỉnh lộ 50, đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Dưới thời nhà Nguyễn, Bình Chánh thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau khi Pháp xâm lược và cai trị, đã thay đổi cách thức cai trị và phân ranh hành chính, theo đó thì Bình Chánh lại thuộc quận Trung Quận (về phía chính quyền cách mạng thì gọi là huyện Trung Huyện), tỉnh Chợ Lớn. Đến năm 1957, huyện Bình Chánh được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Trung Huyện; năm 1960 do yêu cầu của cuộc kháng chiến, Bình Chánh lại tách ra nam, bắc Bình Chánh. Nam gọi là Bình chánh- Nhà Bè, bắc nhập với Tân Bình gọi là Bình Tân.
Đến năm 1972, tên gọi huyện Bình Chánh được phục hồi trên cơ sở hợp nhất nam, bắc Bình Chánh. Đến tháng 12/2003, do sự tăng dân số cơ học và để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, huyện Bình Chánh tách ra thành lập thêm quận Bình Tân.
Bình Chánh nổi tiếng với địa danh căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ, là nơi dừng chân của các lực lượng vũ trang và cán bộ lãnh đạo cao cấp của ta. Từ “Vành đai đỏ” này, quân dân ta đã xiết chặt vòng vây tấn công vào trung tâm đầu não của địch tại Sài Gòn. Đặc biệt trong trận chống càn tại Láng Le – Bàu Cò ngày 15 /04/ 1948, quân dân Bình Chánh đã tạo nên một chiến công hiển hách, chiến công này được ghi vào lịch sử vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những chiến công hiển hách ấy luôn được kế thừa và phát huy trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Bình Chánh trở thành căn cứ, là chỗ dựa của các lực lượng cách mạng đứng chân tại đây, đồng thời cũng xuất phát từ đây, lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều trận đánh thọc sâu vào cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn, điển hình như cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968, đặt biệt là đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tháng 4/1975, thắng lợi này đã giải phóng hoàn toàn đất nước và giành lại độc lập cho dân tộc.
Với những đóng góp và chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Chánh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Huyện Anh hùng.
Theo UBND huyện Bình Chánh, huyện còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển các tour du lịch về văn hoá, lịch sử, sinh thái,... Huyện Bình Chánh sở hữu khoảng 20 tài nguyên có thể khai thác và phục vụ du khách trong đó tập trung nhiều loại hình: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch tâm linh, cùng với đó là du lịch đường thủy.