IMF dự báo lạm phát của Việt Nam khoảng 3,9%

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính sách thận trọng của Việt Nam trong đại dịch đã giúp duy trì giai đoạn tăng trưởng cao, giá cả ổn định và tỷ lệ nợ công thấp. GDP được dự báo tăng 6% và lạm phát là 3,9% năm nay.

 

IMF dự báo lạm phát của Việt Nam khoảng 3,9% - Ảnh 1

Áp lực lạm phát trong năm 2022 tăng khá lớn khi chịu cả yếu tố “cầu kéo” và yếu tố “chi phí đẩy”, cùng những diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam với nhận định rằng, các chính sách thận trọng của Chính phủ trong đại dịch đã giúp duy trì giai đoạn tăng trưởng cao, giá cả ổn định và tỷ lệ nợ công thấp. GDP năm 2022 được dự báo tăng 6% và lạm phát là 3,9%.

Cụ thể, IMF cho rằng, dù lạm phát gần đây tăng tốc, do giá hàng hóa tăng và các gián đoạn về nguồn cung nhưng hiện vẫn khá thấp so với mục tiêu của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn thực phẩm tương đối ổn định và giá cả vẫn được kiểm soát.

Trong bối cảnh lạm phát lan tràn trên toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam tăng khá thấp. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Về cơ bản, IMF vẫn khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng trước các rủi ro về lạm phát.

IMF cũng nhấn mạnh, nền kinh tế đang phục hồi không đồng đều, thị trường lao động còn ì ạch, lĩnh vực tài chính dễ tổn thương và nhiều thách thức về cấu trúc vẫn tồn tại. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt và chủ động điều chỉnh theo tốc độ hồi phục và các rủi ro phát sinh.

IMF lưu ý về các khoản vay có vấn đề, bình thường hóa thủ tục hoãn trả nợ và theo dõi chặt rủi ro trên thị trường bất động sản. Cơ quan này cho rằng trong trung hạn, nguồn vốn của các ngân hàng cần được củng cố, khung chính sách về tái cơ cấu nợ tư nhân cần được tăng cường.

“Việt Nam cũng nên tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước và tăng cường an sinh xã hội. Các động thái gần đây về linh hoạt tỷ giá và hiện đại hóa chính sách tiền tệ được đánh giá cao”, báo cáo viết.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá lạm phát của Việt Nam đã nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát dưới 4% của Chính phủ.

Giá xăng dầu tăng vọt là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng có chiều hướng tăng nhẹ.

Mới đây, ngân hàng HSBC đưa dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5%. Tuy nhiên, số liệu này có thể vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm.

Tại cuộc họp công bố số liệu kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm là rất lớn và mục tiêu dưới 4% là thách thức.

Theo đó, đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp cơ bản để kiểm soát lạm phát gồm: Đảm bảo nguồn cung trong nước, nghiên cứu giảm các loại thuế để chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu người dân; phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.

Trước tác động của biến động giá xăng dầu lên CPI, bà Oanh cho biết, tỷ trọng thuế, phí/giá xăng dầu Việt Nam là khoảng 23-24%, trong khi nhiều nước là 44-45%, trừ một số nước có trữ lượng lớn. Để hỗ trợ giảm giá xăng dầu, một số nước áp dụng giảm thuế GTGT, một số nước là thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Với Việt Nam, hiện nay đã giảm thuế BVMT. Trong thời gian tới, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thuộc quyền của Chính phủ, vì vậy để đảm bảo tính kịp thời, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, Vụ trưởng vụ Thống kê giá, TCTK nhấn mạnh rằng, chính sách giảm thuế cũng chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn và phải kịp thời.

Đức Minh

Theo Kinh doanh và phát triển