Kêu gọi doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào với nhiều ưu đãi về thuế, phí
Bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào, với 9 ngành và 3 khu vực khuyến khích ưu tiên, nhất là các ưu đãi về thuế lợi nhuận, phí thuê - chuyển nhượng đất.
Sáng 31/8, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Mekong ASEAN phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu, trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt hơn 118 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, có 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là gần 66 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Chia sẻ tại chương trình giao lưu, bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước dựa theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Lào.
Mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời, kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành.
Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.
Bà Sonechan Phoutthavong nhấn mạnh về 9 ngành khuyến khích ưu tiên đầu tư tại Lào hiện nay.
Cụ thể là khuyến khích thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ cao và hiện đại; sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử; ngành giáo dục và nâng cao tay nghề; ngành y tế, xây dựng bệnh viện hiện đại, nhà máy sản xuất thuốc và tiết bị y tế.
Cùng với đó là khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kết nối các nước; khuyến khích ngân hàng chính sách và viện tài chính vi mô giải quyết vấn đề giảm nghèo cho dân và cộng đồng chưa từng tiếp cận ngân hàng; phát triển trung tâm siêu thị hiện đại.
Chính phủ Lào cũng khuyến khích đầu tư theo 3 khu vực: Khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được điều kiện thuận lợi đầu tư; Khu vực có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi để đầu tư; đặc khu kinh tế.
“Nếu doanh nghiệp đầu tư vào 9 ngành khuyến khích và nằm trong khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế lợi nhuận và miễn phí thuê hoặc phí chuyển nhượng đất trong vòng 10 năm”, bà Sonechan Phoutthavong cho biết.
Ngoài ra nhà đầu tư vào Lào còn được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng 0% trong việc nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ việc sản xuất mà Lào không sản xuất được để tạo nên tài sản cố định và phương tiện phục vụ trực tiếp trong việc sản xuất.
“Để tận dụng cơ hội, tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng này, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Lào. Thay mặt Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào”, bà Sonechan Phoutthavong nói.