Tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài, tiềm lực tài chính của Tập đoàn Hòa Bình (HBC) tới đâu?

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đang triển khai mục tiêu không nhỏ là vươn ra thị trường nước ngoài. Trong khi tiềm lực tài chính của HBC không mấy khả quan khi tỷ lệ nợ tăng cao, dòng tiền kinh doanh cũng âm liên tục trong 6 tháng đầu năm.

Nuôi hy vọng ở nước ngoài

Vừa qua, HBC vừa đưa phương án thành lập Tiểu ban thị trường nước ngoài trực thuộc hội đồng quản trị (HĐQT). Tiểu ban gồm 4 thành viên, trong đó Trưởng tiểu ban do ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực đảm nhiệm.

Phương án thành lập tiểu ban thị trường nước ngoài trực thuộc HĐQT HBC
Phương án thành lập tiểu ban thị trường nước ngoài trực thuộc HĐQT HBC

Trong đó, ông Lê Viết Hiếu là con trai ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT. Ông Hiếu được đào tạo ở nước ngoài với bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh - Đại học California Polytechnic (Mỹ). Trước khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT HBC, ông Hiếu đã từng trải gnhiệm ở vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập, là người có nhiều kinh nghiệm ở nhiều nước. Ông tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng Đại học Grenoble (Pháp), Tiến sỹ Cơ học đất và công trình ngầm Đại học khoa học Paris. Từ những năm giai đoạn 1975 - 1979, ông Phú đã từng làm kỹ sư phục vụ cho Bộ Giao thông và thiết bị Pháp.

Các thành viên còn lại cũng đều có lý lịch rất đáng nể, ông Nguyễn Tường Bảo là Cử nhân Tài chính Đại học Concordia (Canada) và đã từng kinh qua nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn; ông David Martin Ruiz là Thạc sỹ Kết cấu và xây dựng UAX Polytechinics Mandrid (Tây Ban Nha).

Việc HBC cử những nhân tài của công ty ra nước ngoài cho thấy phần nào tham vọng của đại gia ngành xây dựng. Động thái này ít nhiều cũng khơi gợi nhiều nhà đầu tư, cụ thể, giá cổ phiếu HBC đang bước vào nhịp tăng khá lạc quan trong thời gian gần đây. Thị cổ phiếu HBC từ giữa tháng 6 tới nay đã tăng từ mốc khoảng dưới 16.000 đồng/cổ phiếu lên mặt bằng giá quanh 22.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Tiềm lực tài chính HBC tới đâu?

Tham vọng lớn là vậy, nhưng thực lực của doanh nghiệp ra sao để đủ sức hiện thực hóa tham vọng cũng sẽ là những yếu tố các nhà đầu tư đang quan tâm.

Trên thị trường, Tập đoàn Hòa Bình là một doanh nghiệp có danh tiếng trong ngành xây dựng. Quy mô doanh thu của công ty này trong nửa đầu năm 2022 cũng lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng cao tới 30% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa những ông lớn khác trong cùng ngành.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của HBC (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II HBC)
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của HBC (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II HBC)

Mặc dù doanh thu khá cao nhưng lợi nhuận lại có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của HBC nửa đầu năm 2022 chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất biên lợi nhuận ròng của công ty theo đó đã giảm mạnh từ 1,25% nửa đầu năm 2021 xuống chỉ còn 0,85% trong nửa đầu năm 2022.

Chưa kể, tình trạng nợ xấu của công ty cũng ở mức báo động, giá trị nợ phải trả của công ty đã tăng từ 12.520 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 14.432 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022.

Nợ phải trả tăng cao (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II HBC)
Nợ phải trả tăng cao (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II HBC)

Nợ phải trả của Tập đoàn Hòa Bình tăng trong giai đoạn này do một số yếu tố, trong đó chi phí phải trả ngắn hạn tăng từ 1.023 tỷ đồng đầu năm lên 1.279 tỷ đồng vào giữa năm; người mua trả tiền trước tăng 1.185 tỷ đồng vào đầu năm lên 1.498 tỷ đồng vào giữa năm…

Ngoài ra, quy mô vay tài chính của doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn này. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong nửa đầu năm tăng từ 4.699 tỷ đồng lên 5.461 tỷ đồng (tăng 16,2%); vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 398 tỷ đồng đầu năm lên 1.074 tỷ đồng vào giữa năm (tăng 170%).

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty lại diễn biến ngược chiều trong giai đoạn này, giảm từ 4.057 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 3.823 tỷ đồng vào thời điểm giữa năm. Với diễn biến này, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu đã tăng từ mức 3 lần tại thời điểm đầu năm lên gần 3,8 lần vào giữa năm.

Chưa kể, dòng tiền kinh doanh của HBC cũng âm nặng, con số được ghi nhận lên tới 1.365 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu đến từ các khoản phải thu, với giá trị dòng tiền âm từ tăng/giảm các khoản phải thu trong nửa đầu 2022 đã lên tới 1.350 tỷ đồng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống