Khác với 2024, tín dụng khởi sắc ngay tháng đầu năm 2025

Tính đến ngày 3/2/2025, tổng dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống đã đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với cuối năm 2024

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc đầu năm 2025

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 3/2/2025, tổng dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống đã đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, mức tăng này tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2024 (dư nợ tín dụng giảm 0,6%).

Theo đại diện của NHNN, trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, TTTD toàn hệ thống chưa tăng nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ.

Trong năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%.

Khác với 2024, tín dụng khởi sắc ngay tháng đầu năm 2025 - Ảnh 1

Trước đó, lãnh đạo NHNN cũng đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2025 là làm sao để cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, hướng tới tăng trưởng 2 chữ số.

Để hoàn thành được nhiệm vụ đề ra, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2025. Trong đó, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao TTTD năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm.

Đồng thời, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Tuy nhiên, NHNN cũng yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tín dụng nền kinh tế đạt hơn 15,6 triệu tỷ đồng

Trước đó, trong năm 2024, điều hành tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng trong hoạt động điều hành của NHNN khi nhà điều hành đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nền kinh tế.

Khác với những năm trước đó, năm 2024, NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD ngay từ đầu năm để tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn ra nền kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng đã 2 lần chủ động điều chỉnh chỉ tiêu TTTD mà không cần đề nghị từ phía các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, NHNN đã quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó một số chương trình triển khai hiệu quả và nhiều lần được nâng quy mô như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản; Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (hiện số vốn đăng ký đã trên 145 nghìn tỷ đồng)…

NHNN còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cấp tín dụng, kịp thời có hiệu lực đồng bộ với Luật Các TCTD năm 2024; gia hạn triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024.

Tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng trong hoạt động điều hành của NHNN năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng trong hoạt động điều hành của NHNN năm 2024.

Kết quả là đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế đạt 15.615.656 tỷ đồng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023. Trong đó, các NHTM có vai trò to lớn trong việc cấp tín dụng đối với nền kinh tế, chiếm khoảng 92,6% tỷ trọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Ngoài ra, tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Một số lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế (nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%) hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng lần lượt 28,26% và 42,24% so với cuối năm 2023).

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 16,11% so với cuối năm 2023, trong đó dư nợ tiêu dùng BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 60%), dư nợ kinh doanh BĐS chiếm khoảng tỷ trọng khoảng 40%.

Bên cạnh đó, đến 31/12/2024, các TCTD đã giải ngân đối với dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (3/11 dự án thành phần thực hiện theo hình thức PPP) với tổng hạn mức cấp tín dụng là 7.824 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 5.453 tỷ đồng.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance