Khách hàng tố sai phạm, PVComBank CN Đồng Nai bị oan?

Trong lĩnh vực ngân hàng, khi niềm tin có vai trò quan trọng thì nó trở nên có giá (trị) và sẽ (có thể) bị lợi dụng, đánh cắp khi "được giá". Sự việc xảy ra ở PVCombank CN Đồng Nai vừa qua đem tới cho các "thượng đế" bài học xương máu. Liệu PVcomBank có đang bị “oan”?

Khách hàng VIP thành… nạn nhân

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, vừa qua, dư luận được phen bàng hoàng khi khách hàng VIP - đồng thời là nạn nhân là chị Lê Thị Xuân Bích (SN 1981) và anh Trần Bá Thắng (SN 1993, cùng ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tố cáo nhiều sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (gọi tắt là PVCombank CN Đồng Nai/Ngân hàng) đối với các hành vi sai phạm quy trình tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn và gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng nhiều tỷ đồng. Hiện sự việc đang được cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai điều tra.

 Trụ sở PVcomBank Chi nhánh Đồng Nai (Ảnh: internet).

 Trụ sở PVcomBank Chi nhánh Đồng Nai (Ảnh: internet).

Được biết, Bích và anh Thắng là khách hàng thường xuyên của PVCombank CN Đồng Nai từ năm 2015, và được coi là nhóm khách hàng VIP. Đại diện Ngân hàng là chị Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) và Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên), là người thường xuyên liên lạc giải quyết các thủ tục ngân hàng, đưa giấy tờ cho khách hàng ký. Theo thói quen, 2 người này được hiểu là đại diện Ngân hàng trong các giao dịch.

Từ tháng 8/2018, chị Bích và anh Thắng đã mở tại Ngân hàng này nhiều sổ tiết kiệm. Sau đó, chị Bích và anh Thắng được các nhân viên ngân hàng tư vấn rút tiền ngân hàng khác nộp về tài khoản PVCombank

Khi cần rút tiền, 2 nhân viên này lại móc nối với 2 người khác thuyết phục chị Bích cùng anh Thắng cầm cố tài sản của mình để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ. Vì muốn sớm lấy được tiền gốc và lãi gửi tại Ngân hàng, cũng như tin tưởng cam kết của các nhân viên, chị Bích và anh Thắng đã đồng ý (miễn cưỡng) đem tài sản của mình để hỗ trợ thêm.

Cũng theo đơn thư, đến khi phát hiện các giấy tờ liên quan đến những dự án bất động sản đều không có thật, không có cơ sở pháp lý, quy trình giao dịch cầm cố có vấn đề thì sự việc đã quá trầm trọng, Chị Bích và anh Thắng đã có đơn tố giác tội phạm gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

PVComBank vô can, bị oan?

Sau rất nhiều sai phạm xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua, lùm xùm lần này tại PVcomBank gióng nên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề niềm tin và pháp lý trong giao dịch ngân hàng.

Phản hồi về sự việc nêu trên, PVcombank khẳng định: Qua rà soát quy trình nội bộ, xác định hai cán bộ PVcomBank Đồng Nai trong quá trình giao dịch với khách hàng đã làm trung gian giới thiệu khách hàng cho các đối tượng bên ngoài ngân hàng vay vốn dẫn đến việc gây ra tranh chấp. Vì vậy, PVcomBank đã thực hiện xử lý kỷ luật những cán bộ này theo quy định.

 Văn bản có đủ để chứng minh PVcomBank vô can, bị oan? (Ảnh: Tư liệu).

 Văn bản có đủ để chứng minh PVcomBank vô can, bị oan? (Ảnh: Tư liệu).

Còn về hồ sơ vay vốn, Ngân hàng xác định: Các hồ sơ vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng Lê Thị Xuân Bích và Trần Bá Thắng có đầy đủ chữ ký của khách hàng trên hồ sơ vay (Đề nghị vay vốn, Hợp đồng vay, Biên bản giao nhận sổ tiết kiệm, UNC rút tiền). Các chứng từ này đã thể hiện ý chí đích thực của khách hàng khi vay vốn tại PVcombank.

Và theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thì các chữ ký và chữ viết trên các chứng từ này đều của chính khách hàng (Xuân Bích và Bá Thắng). Do đó, Hợp đồng vay có hiệu lực pháp lý đầy đủ

Cũng theo Ngân hàng, toàn bộ số tiền vay cầm cố sổ tiết kiệm đều được Ngân hàng giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại PVcombank, sau đó khách hàng mới thực hiện các lệnh chuyển tiền sang tài khoản khác hoặc rút tiền mặt. Hiện tại, các sổ tiết kiệm nêu trên vẫn đang được bảo đảm cho khoản vay của chính khách hàng tại PVcombank. Do vậy, Ngân hàng sẽ thực hiện bàn giao cho khách hàng các sổ tiết kiệm này sau khi khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ tại PVcombank.

Theo hồ sơ, người có đơn cho rằng phía Ngân hàng đã cố tình giữ các sổ tiết kiệm và có hành vi gian dối trong việc thực hiện thủ tục ngân hàng, dẫn tới hậu quả nhiều sổ tiết kiệm bị thế chấp khi nó đang nằm trong tay chính cán bộ ngân hàng.

Ở một diễn biến khác có liên quan, theo hồ sơ vụ việc, xuất hiện văn bản lạ có nội dung cam kết tay ba, trong đó bên phía PVcomBank có bà Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng DVKH) và Trần Thị Diệu Hương (KSV) đứng ra làm việc tại trụ sở PVcomBank CN Đồng Nai, ký giấy tờ xác nhận một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ngân hàng.

Văn bản này được lập thành 01 bản duy nhất, có “thòng” nội dung cơ bản là: Chỉ mình Chị B được quyền giữ và bảo quản giấy tờ này và cam kết bảo mật tuyệt đối, nếu không sẽ vô hiệu. Ở góc độ niềm tin, văn bản này tưởng chừng như của Ngân hàng với sự tham gia của hai người đại diện là vị Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng và Kiểm sát viên, nhưng nó lại có thể được hiểu là văn bản ngoài hoạt động ngân hàng vì… không có dấu của Ngân hàng.

Tương tự, có rất nhiều chi tiết hồ sơ thể hiện quá trình diễn biến sự việc đã được phản ánh tới lãnh đạo PVcomBank CN Đồng Nai, hoặc lãnh đạo Ngân hàng cần phải biết, có trách nhiệm phải biết. Đây cũng là vấn đề then chốt để chứng minh Ngân hàng có vô can, bị oan hay không.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang điều tra về các hành vi: quy trình tín dụng có đúng không, có hay không hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ việc nêu trên.

Chưa biết PVcomBank đã báo cáo sự việc lên Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai những gì, phối hợp với các cơ quan chức năng ra sao, nhưng sự việc này cần phải được làm sáng tỏ nội dung, xác định trách nhiệm của các bên, nhất là trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Ngân hàng, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của PVcomBank, để tránh trường hợp Ngân hàng này bị “oan”.

Phúc Huy

Theo Sở hữu trí tuệ