Khai trương tàu container liên vận quốc tế, giá container có giảm?
Tàu container liên vận quốc tế về đến ga Đồng Đăng trong bối cảnh giá container tăng cao...
Chiều 29/5, đoàn tàu container liên vận quốc tế tuyến Quảng Đông - ASEAN về đến ga Đồng Đăng để làm các thủ tục hải quan cho hàng đi tiếp đến ga Yên Viên.
Tàu container liên vận quốc tế Quảng Đông - ASEAN đang vào ga Đồng Đăng. Ảnh: Báo Giao thông |
Đây là đoàn tàu đầu tiên khai trương tuyến vận tải nối khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao tới các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Theo thông tin từ ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty Ratraco cho biết, đoàn tàu có 41 toa chở container 40HC (container cao, 40 feet) xuất phát từ Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với điểm kết thúc hành trình là ga Yên Viên (Hà Nội). Hàng hóa chủ yếu là nguyên liệu sản xuất, đồ gỗ nội thất, tổng trị giá 94.400 USD (2,1 tỷ đồng).
Số hàng này do Công ty TNHH vận hành tàu Sinotrans - tập đoàn vận tải đa phương thức lớn nhất của Trung Quốc, đảm nhận thực hiện vận chuyển phía Trung Quốc; Đối tác đảm nhận vận chuyển bên Việt Nam là Ratraco.
Việc khai trương chuyến tàu này trong bối cảnh tìm kiếm container từng "sốt nóng", mặc dù hiện nay tình trạng khan container đã giảm nhiệt nhưng giá cước vẫn tăng cao; các chuyên gia cảnh báo sự mất cân bằng container, khuyến khích tự cung ứng container chở hàng trong nước.
Cụ thể theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, từ cuối năm 2020, do thiếu container rỗng, giá cước vận chuyển hàng hóa đã nhảy vọt từ 1.500 USD lên mức 10.000 USD mỗi container loại 40 feet.
Việc này khiến việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chi phí lớn.
Chỉ ra cốt lõi của vấn đề, TS Lê Văn Bảy chuyên gia logistics cho rằng, hiện tượng trên là do mất cân bằng container chứ không phải là thiếu container cho Việt Nam.
"Container các hãng tàu có dư nhưng nằm ở cảng khác chứ không nằm cảng Việt Nam. Hiện nay hàng Việt Nam đi thì nhiều, về thì ít, các hãng tàu có thể điều container rỗng về và tăng cước, nhưng cùng lắm cước tăng gấp rưỡi, gấp đôi, chứ không thể tăng gấp 10 lần", ông nói.
Trong các giải pháp, ông cho rằng, xây dựng đội tàu chính là giải pháp căn cơ nhất, vị chuyên gia khẳng định. Bản thân các nước có đội tàu sẽ có nhiều lợi thế, ngoài vấn đề kinh tế còn có cả an ninh quốc phòng... Trường hợp Indonesia là một ví dụ. Theo quy định của nước này, tất cả hàng hóa xuất khẩu của Indonesia phải dùng tàu của nước này, nếu không sẽ không được xuất khẩu. Với quy định này, các đội tàu của Indonesia mới có công ăn việc làm.
"Quy chế WTO mà Việt Nam là thành viên thì phải tuân thủ, nhưng đến lúc các hãng tàu nước ngoài ép quá thì Việt Nam cũng phải có biện pháp bảo vệ mình", TS Lê Văn Bảy nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam không phải không có tàu container nhưng lại là tàu cũ, không vận tải quốc tế được, chỉ làm nhiệm vụ gom hàng tới cảng lớn cho các hãng tàu nước ngoài. Bởi đội tàu èo uột nên Việt Nam phải chịu phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, dẫn đến nhiều rủi ro như tình trạng thiếu container rỗng đang diễn ra", vị chuyên gia nhận định.