“Khai tử” loạt dự án BT tại Hà Nội, Him Lam “tuột tay” nghìn ha đất vàng Thủ Đô
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Theo đó hàng loạt “ông lớn” bất động sản đã “tuột tay” hàng nghìn ha đất vàng, điển hình như CTCP Him Lam.
Hà Nội dừng 82 dự án BT của loạt “ông lớn” bất động sản
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Nguyên nhân dừng triển khai là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ 1/1 quy định dừng triển khai các dự án BT mới, đồng thời dừng thực hiện dự án BT chưa phát hành hồ sơ mời thầu.
Theo danh sách được công bố, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), chưa ký hợp đồng là dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển 7,5 km và dự án cải tạo, nâng cấp QL6 Ba La – Xuân Mai dài 21,6 km.
Ngoài ra có 79 dự án còn lại là các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện BCNCKT và chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Đáng chú ý có nhiều dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn. Đơn cử như dự án xây dựng nút giao giữa vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long và dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng của CTCP Him Lam. Cả 2 dự án đều đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện BCNCKT.
Hay như như dự án đường vành đai 2,5: đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco là chủ đầu tư. Dự án đường vành đai 3,5: đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do liên danh Công ty CP Eurowindow Holdings làm chủ đầu tư.
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội
Các dự án đường vành đai 3: đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 5 kéo dài và dự án vành đai 4: Đoạn từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai (Km2+650) đến quốc lộ 32 (Km19+500), đoạn từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và dự án xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và đều do Công ty CP Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó là dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài và dự án Cầu Tứ liên cùng đường từ cầu Tứ Liên đến Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đều do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) làm chủ đầu tư. Ngoài ra Công ty CP Tập đoàn CEO cũng góp mặt với dự án Khu trung tâm chính trị – hành chính, khu liên hợp Văn hóa – Thể thao huyện Quốc Oai.
Phía Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội cho biết, năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn Thành phố, theo đó Ban Cán sự Đảng UBND TP có ý kiến: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, thông báo cho các nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát từng dự án cụ thể, tham mưu đề xuất UBND TP xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định…
Him Lam “hụt” hàng nghìn ha đất vàng Thủ Đô
Với việc Hà Nội dừng hàng loạt dự án BT như vậy, đồng nghĩa những chủ đầu tư có dự án nằm trong diện bị “khai tử” sẽ “hụt” đi một quỹ đất đáng kể. Đơn cử như Công ty CP Him Lam.
Còn nhớ năm 2017 Him Lam cũng đã âm thầm rút lui tại dự án BT đó là dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Như vậy nếu tính cả 2 dự án nằm trong danh sách 82 dự án vừa được Hà Nội công bố thì Him Lam đã bị “khai tử” 3 dự án BT. Đáng chú ý cả 3 dự án này đều có vị trí “đất vàng” Thủ Đô với diện tích hàng nghìn ha.
Cụ thể, dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Sau đó, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT, rồi giao cho Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án. Nếu thực hiện dự án này, dự kiến quỹ đất Him Lam được nhận có diện tích lên tới 440 ha, trải rộng trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng.
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng, bao gồm một cầu với bề rộng mặt cắt ngang 19,2 m và các đường dẫn hai đầu cầu. Dự án đã triển khai thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Ngay trong giai đoạn 1 này, dự án cũng đã thực hiện toàn bộ giải phóng mặt bằng, vì thế, giai đoạn 2 chỉ xây dựng một cây cầu khác tương tự với tổng chiều dài là 3.504 m và cách mép cầu cũ 2 m. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, đến năm 2017, UBND TP Hà Nội nhận thấy bất cập và quyết định chuyển dự án sang hình thức đầu tư công và Him Lam cũng âm thầm rút lui tại thương vụ BT này.
Ngoài dự án trên, hai dự án mới nhất bị của Him Lam bị Hà Nội “khai tử” gồm: Dự án Vành đai 3,5 và dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng.
Trong đó, Dự án Vành đai 3,5 được thiết kế thành nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức BT (quy mô cầu vượt và đảo xoay 3 tầng). Dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Như vậy nếu thực hiện dự này, Him Lam sẽ được thanh toán bằng 320 ha đất nằm trong quy hoạch phân khu đô thị N10, thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi thuộc quận Long Biên và xã Cổ Bi, Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Trong khi đó, Dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 3 km, rộng 20 m, có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt dự án, Him Lam sẽ nhận khoảng 600 ha đất tại các xã Đông Dư, Gia Lâm (78 ha), xã Dương Xá, Gia Lâm (34 ha); quỹ đất nằm ở các phường Cự Khối, Long Biên thuộc quận Long Biên; quỹ đất nằm ở bãi đất ngoài sông Hồng có thể khai thác đầu tư nằm trong phạm vi được quy hoạch tới mép nước; quỹ đất nằm khu vực phường Cự Khối và Long Biên với tổng diện tích khoảng 320 ha.
Như vậy, nếu được thực hiện 3 dự án BT trên, sẽ có hàng nghìn ha đất vàng tại Thủ đô sẽ rơi vào tay Him Lam của đại gia Dương Công Minh.
Nước đi mới đầy toan tính của đại gia Dương Công Minh
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Him Lam được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Thời sơ khai chỉ là một công ty kinh doanh địa ốc, đến nay Him Lam đã trở thành công ty lớn với tài sản trị giá hàng tỷ USD.
Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng (trong đó ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam sở hữu 99%), đầu tư và xây dựng khoảng 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân golf Long Biên, sân golf Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20 ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.
Một diễn biến đáng chú ý, trước khi bị Hà Nội khai tử 3 dự án trên, Him Lam đã hoàn tất dự án BT nút giao thông trung tâm quận Long Biên (tên cũ là nút giao thông Cầu Chui). Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 2.874 tỷ, đổi lại công ty được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 20 ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320 ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối thuộc quận Long Biên và 135 ha đất bãi sông Hồng.
Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, theo Kiểm toán nhà nước, dự án đã “chênh” tới 1.079,3 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng mức đầu tư báo cáo dự án là 2.379,7 tỷ đồng, nhưng qua kiểm tra, giá trị KTNN xác nhận chỉ 1.300,4 tỷ đồng, chênh đến 1.079,3 tỷ đồng.
Nói về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện tại hầu như tất cả dự án đều bị đẩy giá lên nhiều lần so với giá trị thực. Còn giá trị đất đối ứng thì đa phần là không theo đấu giá, không định giá được theo giá trị thực tế trên thị trường. Đặc biệt là khi mảnh đất đó ở vị trí “đắc địa”, dẫn tới việc những mảnh đất “vàng” bị rơi vào tay các chủ đầu tư.