Khaisilk tan vỡ, Trầm Bê ra tòa, Bầu Kiên theo kiện trăm tỷ
- Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của các tỷ phú Việt. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo doanh nghiệp như dầu khí, hoá chất, cao su bị khởi tố, sếp ngân hàng phải ra trước vành móng ngựa... Những cái tên nhiều sóng gió như Hoàng Khải rút khỏi Khaisilk sau bê bối làm tan vỡ thương hiệu một thời. Chuẩn bị xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, ông Trầm Bê sẽ ra tòa.
Ông Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết liên tục có sự bứt phá ngoạn mục tại vị trí người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán. Trong năm 2017, tính theo số liệu trên TTCK Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết có nhiều thời điểm có tài sản vượt qua cả tỷ Phạm Nhật Vượng khi mà chủ tịch Tập đoàn Vingroup chưa hé lộ khối tài sản tại tập đoàn này thông qua công ty Đầu tư Việt Nam.
Năm 2017 Việt Nam có 2 tỷ phú USD được ghi danh toàn cầu là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, theo bảng xếp hạng của Forbes. Đây cũng là năm đầu tiên, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có 1 nữ tỷ phú USD.
Năm 2017 hàng loạt doanh nghiệp tỷ đô đã lên sàn niêm yết, kéo theo rất nhiều gương mặt mới vào top những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trong năm qua xuất hiện nhiều gương mặt mới như chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc VCSC Tô Hải, chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ,...
Những tháng cuối cùng của năm 2017, ông Tô Như Toàn là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc công ty đã lọt top những người sở hữu trên 1.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh bị khởi tố, bắt giam đã nối dài danh sách những 'sếp lớn' ngành dầu khí vướng vòng lao lý lên hàng chục người. Góp phần gây ra thiệt hại 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi góp vốn vào Ngân hàng Oceanbank, nhiều sếp lớn ngành dầu khí cũng bị khởi tố.
Tổng giám đốc PVN đã viết tâm thư gửi cán bộ nhân viên vì có lãnh đạo tập đoàn bị kỷ luật. Sau 9 tháng kể từ khi ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch PVN bị cho thôi chức hồi tháng 3/2017, Tập đoàn Dầu khí đã có tân Chủ tịch Hội đồng thành viên.
TAND Hà Nội vừa kết thúc phiên xét xử đại án OceanBank kéo dài một tháng. Tại bản án sơ thẩm, Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) bị tuyên án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc OceanBank) nhận án tử hình. Cơ quan điều tra cho biết do phát hiện thêm nhiều sai phạm khác của ông Thắm, Sơn mà thời hạn điều tra đã hết nên tách khỏi vụ án này để xét xử ở giai đoạn 2.
VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn hai, đại án Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng cùng đồng phạm Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank Trầm Bê cùng hàng loạt người bị bắt giam do tiếp tay cho Phạm Công Danh gây thất thoát 6.000 tỷ đồng.
Một thông tin khá tích cực, cựu CEO Lý Xuân Hải sau khi mãn hạn tù chính thức về công ty bầu Đức.
Hồ sơ Paradise vừa công bố hàng trăm cá nhân, tổ chức và địa chỉ liên quan đến Việt Nam sau một loạt những cái tên đã được công bố trong Hồ sơ Panama năm 2016.
Theo ICIJ, trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 14 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.
Hiện tượng các đại gia, trong đó có các đại gia Việt lộ khối tiền triệu, tỷ USD ở nước ngoài đã được phơi bày trong các hồ sơ trước, trong đó có Panama Papers.
HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức nổi tiếng với mảng kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, doanh nhân này đã chuyển trọng tâm sang nông nghiệp, trong đó có cao su, mía đường và nuôi bò. Năm vừa qua nhờ vào bán chanh dây, bầu Đức đã kiếm về nghìn tỷ để trang trải khó khăn.
Mặc dù đang chịu án tù nhưng bầu Kiên tiếp tục ra tòa với vai trò đi kiện đòi số tiền hơn 190 tỷ đồng. Mặc dù đã thắng xong vụ việc vẫn chưa xong. Công ty cũ của 'bầu' Kiên kháng cáo, không chấp nhận trả 190 tỷ đồng.
Còn Lê Ân năm qua cũng liên tục viết đơn kêu cứu. Đại gia 82 tuổi gửi đơn kêu cứu đến lên Trung ương do 2 bản án liên quan đến ông đã có hiệu lực nhưng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không thi hành.
Ông Lê Viết Hải (Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) quyết định chi trăm tỷ mua cổ phiếu HBC sau tâm thư và cảnh báo về tin đồn HBC bị Khaisilk xù nợ ngàn tỷ và cổ phiếu này biến động khá chậm chạm trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi sục, liên tục lập những đỉnh cao gần thập kỷ mới.
Trước đó, chỉ số chứng khoán cũng bất ngờ mất tới gần 18 điểm (2,26%) sau tin đồn ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt. Ông Hà đã lên tiếng trên báo chí, cho biết ông vẫn “bình thường”. Trước phiên giao dịch chiều diễn ra, một lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng đã phủ nhận thông tin nói trên.
Bộ Công Thương đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra do có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật qua kiểm tra. Điều đáng ngạc nhiên, theo kết luận của cơ quan chức năng, khăn Khaisilk không có thành phần lụa.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Khaisilk đã đánh lừa người tiêu dùng với mác “made in Vietnam”. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu Việt, gây mất niềm tiên của người tiêu dùng.
Khởi nghiệp bằng tơ lụa, đây cũng chính là ngành hàng làm nên thương hiệu Khaisilk, nhưng cũng chính lụa đang khiến tương lai kinh doanh của ông Hoàng Khải đứng trước áp lực dư luận về kinh doanh trung thực.
Theo Duy Anh
Vietnamnet
link nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/doanh-nhan-2017-ty-phu-dut-tui-nghin-ty-loat-sep-lon-lao-dao-420938.html