‘Khám sức khoẻ’ VN-Index: Liệu có ‘thủng’ lại mốc 1.200 điểm?
Quá trình phục hồi của thị trường chứng khoán sau phiên giảm sốc đang gặp nhiều khó khăn, khả năng chỉ số VN-Index thủng lại mốc 1.200 điểm cần được tính tới.
Sau phiên giảm sốc hơn 48 điểm, chỉ số VN-Index ghi nhận 2 phiên phục hồi tổng cộng hơn 27 điểm. Tuy nhiên sang đến phiên 8/8, VN-Index quay trở lại giảm 7,56 điểm, tương đương 0,62%, xuống 1.208,32 điểm.
Mức giảm này không lớn và nhìn ở góc độ thông thường thì cũng tương đối bình thường sau nhịp hồi khá mạnh. Nhưng đi vào chi tiết, có những dấu hiệu không mấy tích cực được ghi nhận trong phiên này.
Đầu tiên phải kể đến sự “yếu đuối” của nhóm ngân hàng, trong đó đặc biệt phải kể đến trường hợp TCB. Cổ phiếu này giảm tới 4,36% trong phiên, nối tiếp xu hướng giao dịch khá tiêu cực trong thời gian gần đây. Ngay ở phiên trước đó, thị giá TCB giảm khá mạnh 2,24% dù chỉ số VN-Index tăng điểm. Nhìn xa hơn, từ ngày 23/7 tới nay, thị giá TCB đã giảm từ 23.650 đồng/cổ phiếu xuống 20.850 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 12%. Nhiều nhà đầu tư khi nhìn vào đồ thị giá của TCB ví von rằng cổ phiếu này đang “ở bên kia sườn dốc”.
Áp lực chốt lời là một trong những nguyên nhân khiến thị giá TCB giảm mạnh sau quãng thời gian trở thành “ngôi sao tăng giá” của ngành ngân hàng, nhưng lực bán dứt khoát như vậy cũng khỏi gây ra lo lắng về việc “dòng tiền thông minh” có dấu hiệu rút ra. Trên thực tế, không chỉ TCB mà ở trong phiên 8/8, VPB cũng quãng thời gian đáng kể duy trì mức giảm 2,5%, thậm chí có lúc giảm 2,8% và được kéo lên vào cuối phiên (kết phiên giảm 0,83%). Các cổ phiếu ngân hàng khác đa phần cũng nghiêng về sắc đỏ.
Nhìn sang các ngành khác, một cổ phiếu cũng gây chú ý đặc biệt là TCH khi bất ngờ giảm kịch sàn, cũng đem đến cảm giác về sự dứt khoát trong lực bán và đồ thị giá cũng kiểu “bên kia sườn dốc” nhưng độ dốc lớn hơn trường hợp TCB. Các cổ phiếu bất động sản khác cũng giao dịch tiêu cực, trong đó NLG vốn được đánh giá là “già dơ” trong nhóm này lại giảm tới 2,68%.
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng phát đi tín hiệu kém khả quan khi nhiều mã giảm khá mạnh, như SSI giảm 1,96%, FTS giảm 3,03%, BSI giảm 2,55%, CTS giảm 2,92%.
Các ngành thép, cao su, phân bón – hoá chất… vốn cung cấp nguyên vật liệu “đầu vào” cho nền kinh tế, đều ghi nhận sự thiếu tích cực về giá cổ phiếu. Sắc xanh chủ yếu hiện lên ở ngành điện, dầu, vận tải hàng hoá.
Những dấu hiệu trên cho thấy quá trình phục hồi của thị trường đang khá khó khăn. Đặt trong bối cảnh khối ngoại vẫn liên tục bán ròng (phiên 8/8 bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng trong khi phiên 7/8 bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE), cộng với tình hình vĩ mô trong nước còn nhiều "dấu hỏi", đi kèm với khoảng trống thông tin về kết quả kinh doanh, khả năng chỉ số VN-Index “thủng” lại mốc 1.200 điểm cũng cần được tính đến. Kéo theo đó, nhà đầu tư nên cân nhắc tỷ trọng tiền – hàng phù hợp.