Khảo sát dự án đô thị trên rừng phòng hộ:Lưu ý gì?
TP Đà Lạt đề nghị doanh nghiệp xem xét kỹ nội dung góp ý của Sở NN-PTNT; gắn phát triển dự án dựa trên nguyên tắc phát triển và bảo vệ rừng.
Công ty CP Golden City (Nghệ An), chuyên đầu tư xây dựng - bất động sản, vừa đề xuất được tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án có diện tích khoảng 165,8ha thuộc đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Mục tiêu của đề xuất này là nhằm tạo lập khu đô thị sinh thái, kết hợp thương mại du lịch nghỉ dưỡng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại, xã hội theo nhu cầu thực tế của địa phương, thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế, qua đó tăng thu ngân sách của địa phương.
Đề xuất của Golden City đã được lấy ý kiến các Sở, ngành Lâm Đồng. Trong đó, đáng lưu ý là ý kiến của Sở NN-PTNT Lâm Đồng.
Trong văn bản do ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng ký cho biết, vị trí khu vực Golden City đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án thuộc một phần tiểu khu 147A, nằm trong địa giới hành chính phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Về đối tượng rừng, căn cứ Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 12/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt thì khu vực Công ty CP Golden City đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án bao gồm đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt và đất ngoài rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt.
Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng thì khu vực Công ty cổ phần Golden City đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án bao gồm đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ bảo vệ môi trường và đất
quy hoạch ngoài lâm nghiệp.
Diện tích gồm đất có rừng và đất chưa có rừng. Trong đó, diện tích đất có rừng (rừng lá kim tự nhiên (rừng trung bình, rừng nghèo) khoảng 106 ha. Trong diện tích rừng tự nhiên có 46 đám đất trống (diện tích/đám < 0,3 ha (từ 0,02 - 0,29 ha), với tổng diện tích khoảng gần 5 ha.
Diện tích đất chưa có rừng khoảng 65 ha, trong đó gồm rừng trồng thông 3 lá chưa thành rừng 13 ha; rừng trồng Mai Anh Đào chưa thành rừng 6 ha; đất sản xuất nông nghiệp 29 ha; đất trống trảng cỏ, cây bụi 17 ha.
"Rừng trồng thông 3 lá chưa thành rừng có chất lượng xấu, không có sức sinh trưởng, khó có khả năng thành rừng. Khu vực nằm sát đường giao thông bằng bê tông, trong khu vực có hệ thống đường be lâm nghiệp cũ, nên khá thuận lợi đối với việc đi lại từ ngoài vào khu vực và trong nội bộ khu vực", Sở NN-PTNT Lâm Đồng nhận xét.
Từ đây, Sở NN-PTNT Lâm Đồng thống nhất đối với đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiế địa điểm đầu tư dự án của Công ty Golden City, đồng thời đề nghị công ty này căn cứ đối tượng, hiện trạng rừng tại khu vực tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu, đối chiếu với các quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp… trong quá trình lập thủ tục đầu tư dự án.
Cũng được lấy ý kiến về đề xuất của Công ty Golden City, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Xây dựng lấy ý kiến của UBND TP Đà Lạt, căn cứ vào nhu cầu, tình hình thực tế địa phương, có phương án triển khai lập quy hoạch với quy mô, tính chất đồ án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển tại khu vực này, để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho đơn vị nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch.
Sở KH-ĐT Lâm Đồng yêu cầu mục tiêu của nhà đầu tư trong công tác tìm hiểu, lập quy hoạch (nếu có), đầu tư dự án phải phù hợp với quy hoạch chung TP Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014.
Đối với các khu vực dự kiến đầu tư có hiện trạng dân cư đông, quy mô giải phóng mặt bằng lớn, có khả năng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại khu vực, Sở KH-ĐT đề nghị công tác lập quy hoạch cần giao cho cơ quan nhà nước chủ trì, tổ chức thực hiện.
Sở Tài chính Lâm Đồng thống nhất với đề nghị tài trợ kinh phí lập quy hoạch của Công ty trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong trường hợp được Sở Xây dựng thẩm định phù hợp với quy định.
Trong khi đó, UBND TP Đà Lạt đồng ý để Công ty tìm hiểu quy hoạch, khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, TP lưu ý, hiện tại vị trí khu đất thuộc một phần tiểu khu 147A tại đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, trong đó một phần diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ hiện trạng là rừng lá kim nghèo; một phần diện tích trồng rừng thay thế qua các năm và trồng cây phân tán chủng loại cây mai anh đào, khoảng 15.000 cây và một phần là đất sản xuất nông nghiệp kết nối với các khu dân cư mật độ còn thấp.
Do đó, cần nghiên cứu tính toán xem xét kỹ nội dung góp ý của Sở NN-PTNT; đồnng thời gắn mục tiêu phát triển dự án dựa trên nguyên tắc phát triển và bảo vệ rừng.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Sở, ngành và đối chiếu với quy định hiện hành, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho được nghiên cứu, khảo sát và tìm kiếm địa điểm đầu tư tại khu vực đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt như đề xuất của Công ty Golden City.
Theo đơn vị này, việc khảo sát, nghiên cứu tài trợ lập quy hoạch cho khu vực trên như đề xuất của Công ty là phù hợp với định hướng phát triển, mở rộng không gian đô thị, ranh giới hành chính của TP Đà Lạt ra các khu lân cận.
Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng đề nghị Công ty CP Golden City phải chịu mọi chi phí, rủi ro trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, phải hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm theo quy định nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Công ty phải bàn giao toàn bộ hồ sơ cho địa phương (không yêu cầu bồi hoàn kinh phí và không gắn với bất cứ điều kiện nào) để quản lý thực hiện quy hoạch, kêu gọi thu hút đầu tư, đấu nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.
Ở góc độ chuyên gia, KTS Trần Công Hòa (Trường Đại học Yersin - Đà Lạt, hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng) cho hay, đồi Đa Phú có rừng thưa, cảnh quan tự nhiên rất đẹp và còn thưa dân cư.
Những vùng này, theo ông Hòa, nên phát triển đô thị để giải quyết vấn đề căng thẳng do dân số phát triển đông đúc của Đà Lạt.
"Vùng này còn vắng, dân cư thưa thớt, do đó thay vì tập trung ở khu đô thị cũ thì nên giãn dân ra đó. Rừng cảnh quan ở đây là rừng trồng mới, nên chính quyền có thể cân nhắc đánh đổi. Tất nhiên, việc này vẫn cần khảo sát kỹ càng, đánh giá tác động đến môi trường, xã hội", KTS Trần Công Hòa nói.